BIỂN ĐÔNG

An ninh hàng hải ở Biển Đông - Quan ngại chung của Ấn Độ và Nhật Bản

TTXVN-VNA | 30-11-2016 | 17:51 |

Các tàu đánh cá của Trung Quốc. (Nguồn: AFP)

An ninh hàng hải ở Biển Đông - Quan ngại chung của Ấn Độ và Nhật Bản

Hà Nội (TTXVN 30/11)

Theo trang Japannews.com, vấn đề Biển Đông trở thành nội dung quan trọng trong cuộc đối thoại chiến lược giữa New Delhi và Tokyo bởi cả 2 nền kinh tế này đều phụ thuộc nhiều vào hàng hải. 60% nguồn cung năng lượng của Nhật Bản được vận chuyển qua vùng biển này. Trong khi đó, hơn 50% hàng hóa thương mại của Ấn Độ đi qua Biển Đông. Đây cũng là một nguyên nhân cơ bản đằng sau việc Hải quân Ấn Độ coi việc đảm bảo môi trường an ninh hàng hải ổn định tại vùng biển này là một ưu tiên. Đối với Nhật Bản và Ấn Độ, đây không chỉ đơn giản là vấn đề tranh chấp biển đảo giữa các bên mà nó còn có khả năng gây bất ổn trên một trong những tuyến đường biển quốc tế quan trọng nhất và trong một khu vực kinh tế năng động. Về mặt chiến lược, khu vực Biển Đông có tầm quan trọng đối với toàn cầu bởi 2 lý do: thứ nhất, đây là tuyết đường thương mại quốc tế thiết yếu giúp vận chuyển khối lượng hàng hóa giá trị lên đến hàng nghìn tỷ USD; thứ hai, đây là khu vực nhiều khí đốt và dầu mỏ.

Mối quan ngại chung của Ấn Độ và Nhật Bản về môi trường an ninh hàng hải ngày càng xấu đi ở Biển Đông được thể hiện trong các tuyên bố chung của hai nước. Đơn cử, tại phiên họp các bộ trưởng quốc phòng Ấn Độ-Nhật Bản ngày 14/7/2016, Bộ trưởng Quốc phòng Ấn Độ Manohar Parrikar và người đồng cấp Nhật Bản, Gen Nakatani, đã ra một tuyên bố chung về phán quyết của Tòa Trọng tài hồi tháng7/2016, trong đó kêu gọi các bên liên quan trong cuộc tranh chấp lãnh thổ “thể hiện sự tôn trọng cao nhất” đối với Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 (UNCLOS). Một điểm đáng chú ý khác là trong chuyến thăm chính thức của Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe tới Ấn Độ hồi tháng 12/2015, tuyên bố chung của hai nhà lãnh đạo đã thể hiện mối quan ngại về những diễn biến tại vùng Biển Đông và kêu gọi tất cả các bên liên quan “tránh những hành động đơn phương…có thể dẫn tới căng thẳng trong khu vực”. Hai nước cũng nhất trí thắt chặt hợp tác an ninh hàng hải thông qua sáng kiến Đối thoại Chiến lược Hàng hải và tổ chức diễn tập quân sự trên biển thường niên với sự tham gia của Ấn Độ, Mỹ và Nhật Bản.

Một trong những nhân tố dẫn tới mối quan ngại của cả Nhật Bản và Ấn Độ là thái độ hung hăng của Trung Quốc tại Biển Đông. Bắc Kinh gần đây đã bắt đầu đưa máy bay ném bom và máy bay chiến đấu tới gần các đảo tranh chấp tại Biển Đông. Có vẻ như Bắc Kinh đang thử thách giới hạn của luật biển quốc tế tại vùng biển này, trong đó có cả những điều luật mà nước này trước đó đã cam kết tuân thủ. Ví dụ, Bắc Kinh trước đó đã đồng ý giải quyết các tranh chấp lãnh thổ tại Biển Đông theo con đường hòa bình và tuân thủ các điều luật quốc tế như UNCLOS. Tuy nhiên, những năm gần đây, việc Trung Quốc thường xuyên va chạm với các nước láng giềng ven biển đã cho thấy sự chuyển hướng trong chiến lược hàng hải của nước này. Việc Hải quân Trung Quốc mở rộng hoạt động tại Biển Đông, việc nước này triển khai tên lửa tại đây, cũng như thái độ hung hăng vừa qua cho thấy Bắc Kinh có ý định theo đuổi đến cùng những tuyên bố chủ quyền của mình.

Trong bối cảnh như vậy, sự dàn xếp tranh chấp biên giới trên biển giữa Ấn Độ và Bangladesh hồi tháng 8/2014 là một thông điệp tích cực đối với các nước có tranh chấp chủ quyền trên biển, bao gồm cả Trung Quốc, rằng mâu thuẫn có thể được giải quyết theo con đường hòa bình. Ấn Độ đã chấp nhận sự phân xử dành cho nước này và Bangladesh 2 năm trước, mặc dù phán quyết này có lợi hơn cho “người láng giềng nhỏ bé” của New Delhi. Khi Tòa Trọng tài tại La Hay (Hà Lan) ra phán quyết về tranh chấp biên giới trên biển giữa Ấn Độ-Bangladesh tại Vịnh Bengal hồi tháng 7/2014, New Delhi đã hoan nghênh phán quyết trên mặc dù việc này đồng nghĩa rằng Ấn Độ phải nhượng bộ một vùng lãnh hải có diện tích lớn hơn bang Tây Bengal. Phó Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ phụ trách khu vực Đông Á Abraham Denmark đã đề cập tới trường hợp trên và kêu gọi Trung Quốc học theo cách hành xử của Ấn Độ trong giải quyết tranh chấp biên giới trên biển và chấp nhận phán quyết của Tòa.

Ấn Độ và Nhật Bản, cùng với các đối tác khác ở châu Á – Thái Bình Dương, cần tìm kiếm các cơ chế để đưa Trung Quốc tham gia tiến trình giải quyết tranh chấp, bằng cách xây dựng một khuôn khổ đa phương để Trung Quốc có thể trở thành một bên liên quan có trách nhiệm và sẽ không tìm cách thay đổi hiện trạng của khu vực bằng sức mạnh. Các cơ chế đa phương hiện tại ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương như Diễn đàn Khu vực ASEAN (ARF), Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng các nước ASEAN mở rộng (ADMM+) và Diễn đàn Hàng hải ASEAN có thể tạo ra một nền tảng hữu ích để xây dựng một cơ chế an ninh bền vững và toàn diện trong khu vực. Khi đó, việc thông qua một bộ quy tắc ứng xử tại Biển Đông trên nền tảng đồng thuận, như ASEAN nhấn mạnh, sẽ đóng góp đáng kể vào sự ổn định và an ninh hàng hải trong khu vực. Cả Ấn Độ và Nhật Bản cần hỗ trợ sự hình thành của bộ quy tắc ứng xử, một nhân tố có thể đóng vai trò quan trọng trong việc giúp giải quyết các vấn đề lãnh thổ mà nếu không được xử lý thông minh có thể biến một khu vực kinh tế năng động hiện nay thành một “đấu trường”./. 

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,