BIỂN ĐÔNG

Các hoạt động quân sự hóa Biển Đông năm 2016

TTXVN-VNA | 28-12-2016 | 16:21 |

Hà Nội (TTXVN 28/12)--

  2016 là năm được cho là có nhiều biến động khó lường ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động được cho là gia tăng quân sự hóa tại khu vực biển tranh chấp chủ quyền gay gắt ở châu Á trong suốt nhiều năm qua của các nước, tiếp nối những hoạt động bồi đắp các đảo và bãi đá từ năm 2014. Vào tháng 2/2016, Trung Quốc cho triển khai giàn tên lửa đất đối không được cho là rất hiện đại trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Nhận định về hành động này của Trung Quốc, Giáo sư Carlyle Thayer, chuyên gia của Học viện Quốc phòng Australia nói: “ Tôi nghĩ là hoạt động này có liên quan đến việc máy bay tuần tra của Mỹ, rồi tàu Curtis Wilbur của Mỹ đi qua khu vực đảo Tri Tôn thuộc quần đảo Hoàng Sa… Bắc Kinh đã nói là sẽ đáp trả hành động của Mỹ. Đây là một trong những giàn phóng tên lửa tầm trung và cao hiệu quả nhất trên thế giới với thiết kế lấy từ Nga. Những máy bay tuần tra của Mỹ bay qua đây trong tương lai ví dụ như máy bay Poseidon sẽ gặp nguy hiểm”.

  Theo Giáo sư Carlyle Thayer, Hoàng Sa thực ra đã được quân sự hóa từ trước với việc Trung Quốc cho xây dựng sân bay tại đây và đưa máy bay chiến đấu hiện đại nhất đến quần đảo này. Giàn tên lửa bổ sung giúp gia tăng khả năng phòng vệ cho Trung Quốc.

  Cùng lúc những hình ảnh vệ tinh của Mỹ hồi đầu năm cũng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành xây dựng ở khu vực chỉ cách đảo Phú Lâm nơi Trung Quốc đặt giàn tên lửa khoảng 12 km. Những bức ảnh vệ tinh hồi giữa năm nay cũng cho thấy Trung Quốc đang tiến hành các hoạt động xây dựng ở khu vực bãi cạn Scaborough mà Trung Quốc chiếm được từ Philippines hồi năm 2012. Một số chuyên gia cho rằng có thể Trung Quốc sẽ biến nơi này thành căn cứ tàu ngầm hoặc là trạm nghe tín hiệu thông tin tình báo.

  Ngày 13/12, tổ chức Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á thuộc Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế (CSIS) đã công bố những hình ảnh vệ tinh cho thấy Trung Quốc đã lắp đặt các hệ thống vũ khí trên cả 7 đảo nhân tạo mà nước này bồi đắp ở Trường Sa.

  Hồi tháng 8, hãng tin Reuters đưa tin, Việt Nam đã chuyển những giàn phóng tên lửa di động đến một số đảo ở Trường Sa. Các giàn phóng này có thể nhắm tới các khu vực do Trung Quốc kiểm soát trên Biển Đông.

  Hồi cuối tháng 11, các hình ảnh vệ tinh của Mỹ cho thấy nhiều tàu của Việt Nam đang tiến hành nạo vét kênh ở đảo Đá Lát thuộc Trường Sa. Hãng tin Reuters trích nhận xét của chuyên gia Trevor Hollingsbee, một nhà nghiên cứu về hải quân đã nghỉ hưu của Anh nói rằng hành động này cho thấy Việt Nam đang cải thiện khả năng phòng vệ của mình.

  Tổ chức Stratfor, chuyên nghiên cứu địa chính trị toàn cầu, ngày 16/12 đã có bài phân tích viết rằng những hoạt động xây dựng và đưa vũ khí ra Trường Sa của Việt Nam thời gian qua cho thấy Hà Nội kiên quyết trong việc hóa giải những tham vọng bành trướng chủ quyền trên biển của Trung Quốc./.

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,