QUAN ĐIỂM LẬP TRƯỜNG CÁC NƯỚC VỀ BIỂN ĐÔNG

Hội thảo Biển Đông sẽ tạo nhận thức chung về tình hình trong cộng đồng quốc tế

TTXVN-VNA | 15-12-2016 | 11:42 |

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

Hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề “Biển Đông: Hợp tác vì an ninh và phát triển khu vực” lần thứ 8 do Học viện Ngoại giao phối hợp với Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông và Hội Luật gia Việt Nam tổ chức tại thành phố Nha Trang (Khánh Hòa) từ ngày 14-15/11/2016.

Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc phỏng vấn ông Trần Trường Thủy, Giám đốc điều hành Quỹ Hỗ trợ Nghiên cứu Biển Đông về những điểm mới và nội dung chủ yếu được thảo luận tại hội thảo lần này.

-Ông có thể cho biết những điểm mới của Hội thảo quốc tế về Biển Đông lần thứ 8 được tổ chức tại Nha Trang (Khánh Hòa) lần này?

Ông Trần Trường Thủy:
Hội thảo về Biển Đông đến nay đã được tổ chức lần thứ 8. Qua mỗi năm, chúng tôi đều cân nhắc kỹ về chương trình, mời các học giả phát biểu để đảm bảo tính mới về cả nội dung, hình thức tổ chức và thành phần phát biểu. Cụ thể, hội thảo lần này có một số phiên có chủ đề hoàn toàn mới so với các kỳ hội thảo trước. Bên cạnh đó, một số phiên chủ đề giống các hội thảo trước, song nội dung trình bày của các học giả lại khác so với năm trước. Đó là vì mỗi học giả tiếp cận theo một cách khác nhau và vì tình hình trên Biển Đông có nhiều diễn biến mới qua hàng năm. Chủ đề hoàn toàn mới của năm nay là phiên nhìn nhận lại lịch sử khởi nguồn của tranh chấp Biển Đông và vai trò của Biển Đông trong lịch sử.

Điểm mới nữa là Ban Tổ chức dành riêng cho giới Hải quân và Cảnh sát biển các nước trực tiếp thảo luận về tương tác giữa tàu thuyền trên biển và cơ chế phối hợp, hợp tác giữa các lực lượng trực tiếp trên biển.

Năm nay, Hội thảo có phiên về chủ đề luật pháp như năm trước, song với phán quyết của Tòa liên quan đến vụ kiện Philippines với Trung Quốc ở Biển Đông tháng 7 năm nay, đây chắc chắn sẽ là chủ đề nổi bật mà các kỳ trước chưa có. Trong các hội thảo trước, các phiên về luật thường bàn về rất nhiều nội dung, như luật về chủ quyền với các thực thể nổi, về địa vị pháp lý các vùng biển, quyền và nghĩa vụ của các bên..., năm nay nội dung luật đa phần sẽ xoay quanh vụ kiện của Philippines. Riêng phán quyết trong vụ kiện này đã được các học giả đăng ký phát biểu trên nhiều khía cạnh khác nhau, từ nội dung, tác động của nó tới yêu sách và hành động của các bên, hệ lụy đối với quá trình hợp tác và xử lý tranh chấp ở Biển Đông.

Các phiên thảo luận về tình hình khu vực và vai trò của các nước có tên gọi cũng giống các năm trước, nhưng nội dung chắc chắn sẽ khác. Tôi nghĩ triển vọng chính sách đối ngoại của Mỹ ở c hâu Á-Thái Bình Dương nói chung và ở Biển Đông nói riêng dưới thời Tổng thống Donald Trump và các bước đi của Tổng thống Philippines Duterte sẽ được thảo luận nhiều và là những điểm mới mà các kỳ họp trước chưa có.

-Ông có thể cho biết các tham luận và bài trình bày tại hội thảo quốc tế về Biển Đông lần này tập trung vào những nội dung quan trọng gì?

Ông Trần Trường Thủy: Do đây là hội thảo khoa học và các diễn giả đều là những học giả có nghiên cứu chuyên sâu, Ban Tổ chức không can thiệp vào nội dung diễn giả trình bày mà chỉ nêu một phạm vi thảo luận cụ thể của từng phiên, về lịch sử, chính trị, kinh tế, an ninh, cơ chế giải quyết tranh chấp và quản lý căng thẳng ở Biển Đông. Qua các bài đã nhận được, có thể thấy các tham luận theo sát diễn biến tình hình Biển Đông trong thời gian vừa qua. Một số chủ đề nổi bật là phán quyết của Tòa trọng tài vụ kiện của Philippines đối với Trung Quốc ở Biển Đông, các hoạt động của Trung Quốc trên thực địa, sự điều chỉnh chính sách của Philipines, khả năng điều chỉnh chính sách của Mỹ dưới thời Tổng thống Donald Trump, vai trò của ASEAN...

-Ông đánh giá như thế nào về nỗ lực của cộng đồng học giả quốc tế và khu vực những năm qua trong việc theo dõi sát diễn biến ở Biển Đông, kịp thời đánh giá, phân tích chính sách và hành động của các bên liên quan, đưa ra các kiến nghị chính sách với chính phủ các nước?

Ông Trần Trường Thủy:
Ảnh hưởng của giới học giả đối với việc hoạch định chính sách của các nước đã được thừa nhận rộng rãi. Thông qua các nghiên cứu khoa học, trung thực và khách quan của mình, giới học giả trực tiếp đưa ra các thông tin và đề xuất chính sách, hành động của chính phủ các nước. Tác động gián tiếp của việc xuất bản các tài liệu nghiên cứu khoa học là phổ biến thông tin, xây dựng nhận thức chung về tình hình trong cộng đồng quốc tế.

Cụ thể trong vấn đề Biển Đông, các học giả đã rất tích cực đóng góp vào việc nghiên cứu các mâu thuẫn, tranh chấp; đồng thời đề xuất các giải pháp thúc đẩy hợp tác và xây dựng lòng tin giữa các nước. Chuỗi hội thảo quốc tế về Biển Đông do Việt Nam tổ chức, tự hào là một trong những nỗ lực đầu tiên của giới học giả tham gia vào quá trình nghiên cứu quản trị tranh chấp ở Biển Đông, mở đường cho rất nhiều hội thảo hiện nay ở nhiều nước trên thế giới. Các hội thảo này đã góp phần tích cực tác động lên quá trình hoạch định chính sách của các nước; giúp các bên liên quan đánh giá đúng tình hình, chắt lọc các nghiên cứu để từ đó có các chính sách phù hợp, đồng thời thúc đẩy và duy trì mạch nghiên cứu, thảo luận về chủ đề Biển Đông trên trường quốc tế, góp phần định hình nên công luận quốc tế nói chung về vấn đề Biển Đông./.

Toàn cảnh hội thảo. (Ảnh: Tiên Minh/TTXVN)

 

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,