CHÍNH SÁCH BIỂN ĐẢO

Kiên Giang: Thực hiện nhiều giải pháp giữ rừng để chống xói lở bờ biển

TTXVN-VNA | 02-12-2016 | 13:38 |

Đê bị sạt lở, nhiều nông dân ở ấp Ba Biển A, xã Nam Yên, huyện An Biên phải bỏ tiền cả trăm triệu đồng để làm lại bờ bao phục vụ nuôi trồng thủy sản. (Ảnh: Lê Sen - TTXVN)



Trong những năm qua, các ngành chức năng tỉnh Kiên Giang đã thực hiện nhiều giải pháp giữ rừng trước sự xâm thực và xói lở bờ biển ngày càng nghiêm trọng.

Do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và nước biển dâng, một số nơi bãi bồi không ổn định, nơi lở, nơi bồi không theo quy luật nhất định. Do đó làm ảnh hưởng đến rừng trồng và rừng chăm sóc trên địa bàn Kiên Giang nhiều năm qua. Từ đầu năm 2016 đến nay, tình hình sạt lở xảy ra ở các đoạn Xẻo Bần, Thứ 8, Thứ 9 và Thứ 10, xã Thuận Hòa, huyện An Minh; đoạn Kim Quy, xã Vân Khánh, huyện An Minh; nghiêm trọng nhất là từ ấp Phát Đạt đến ấp Cây Gõ, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến công tác trồng rừng, chăm sóc rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh.

Tháng 8/2016, UBND tỉnh Kiên Giang đã công bố tình trạng khẩn cấp sạt lở bờ biển khu vực Xẻo Nhàu, xã Tân Thạnh, huyện An Minh. Theo đó, tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND huyện An Minh và các đơn vị liên quan xác định ranh giới khu vực sạt lở bờ biển, cắm mốc và biển báo khu vực nguy hiểm. Khu vực rừng phòng hộ ven biển trên địa bàn Xẻo Nhàu có diện tích trên 330 ha đã giao khoán cho 115 hộ dân. 5 năm gần đây, năm nào khu vực này cũng xảy ra tình trạng sạt lở, mỗi năm sạt lở vài chục mét. Đến nay, khu vực này có trên 50% diện tích đất rừng mất hoàn toàn do sạt lở đất. Mất đất, mất rừng khiến cuộc sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn.


Hiện nay, rừng phòng hộ ven biển An Biên - An Minh chạy dài từ xã Tây Yên, huyện An Biên đến rạch Tiểu Dừa, xã Vân Khánh Tây, huyện An Minh có chiều dài khoảng 61 km, với diện tích trên 4.000 ha qua 10 xã ven biển. Hầu hết người dân đều ý thức được tầm quan trọng của rừng phòng hộ ven biển. Tuy nhiên, một số ít vẫn vì lợi ích cá nhân gây tổn hại tới diện ích rừng ven biển, ảnh hưởng tới cộng đồng dân cư trong quá trình sản xuất, nuôi trồng thủy sản.

Trước thực trạng trên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Kiên Giang đã chỉ đạo Ban quản lý rừng triển khai quản lý cũng như trồng rừng để hạn chế xói lở và ứng phó với biến đổi khí hậu.

Ngoài việc bảo vệ, phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển hiện có, Kiên Giang lựa chọn những loại cây rừng thích hợp để xây dựng mô hình trồng phù hợp với từng điều kiện đặc thù nhằm đảm bảo tỷ lệ cây sống cao, chất lượng bền vững, nhất là những vùng đang bị xói lở nghiêm trọng.

Từ nguồn vốn hỗ trợ chương trình ứng phó với biến đổi khí hậu Trung ương, ngành nông nghiệp Kiên Giang cũng ứng dụng thí điểm triển khai xây dựng hàng rào tạo bãi để phục vụ trồng rừng. Hiện, Kiên Giang đang triển khai tại xã Nam Thái, huyện An Biên và các xã Bình Giang, Bình Sơn, huyện Hòn Đất. Đến nay, hai dự án này đã thành công.

Ban quản lý rừng phòng hộ Kiên Giang tiếp tục tăng cường quản lý, bảo vệ rừng; đẩy mạnh quan hệ hợp tác quốc tế trong nghiên cứu các loại hình canh tác; chọn giống cây trồng, vật nuôi thích ứng, góp phần bảo vệ và phát triển diện tích rừng phòng hộ ven biển theo hướng bền vững. Ngoài ra, các ngành chức năng trong tỉnh tiếp tục tuyên truyền trong nhân dân về công tác bảo vệ rừng; xây dựng các mô hình hoạt động có sự tham gia của cộng đồng cư dân vùng ven biển.../.

Lê Sen 

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,