BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Những thách thức chờ Chính quyền Donald Trump

TTXVN-VNA | 09-12-2016 | 15:33

          TTXVN (Washington 9/12) 

          Trang mạng "Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á" (AMTI) vừa đăng bài viết của nhóm chuyên gia Mỹ về châu Á và Biển Đông gồm Bonnie Glaser, Zack Cooper và Peter Dutton. Bài viết tập trung phân tích những thách thức của Chính quyền Donald Trump trong việc thực hiện hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông, nội dung như sau:

          Áp lực sẽ sớm đặt lên chính quyền mới và đội ngũ an ninh quốc gia của Mỹ trong việc đưa ra giải pháp ủng hộ các quy tắc và thông lệ quốc tế tại Biển Đông. Các nhà quan sát sẽ theo sát bất cứ dấu hiệu nào thể hiện sự sẵn sàng hay không sẵn sàng chấp nhận rủi ro của chính quyền tiếp theo của Mỹ trong việc phản ứng với những hành động gần đây của Trung Quốc. Các chuyên gia sẽ đánh giá về chính quyền mới dựa trên hoạt động tự do hàng hải đầu tiên của họ tại châu Á. Trung Quốc cũng đang nóng lòng thử phản ứng của chính quyền mới của Mỹ như họ đã làm năm 2001 và 2009.  

       Trong các ngày 27/10/2015, 30/01/2016 và 10/5/2016, Mỹ đã thực hiện hoạt động tự do hàng hải để thách thức các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông. Đến ngày 21/10/2016, tàu khu trục USS Decatur đã đi xuyên qua đường cơ sở thẳng phi pháp của Trung Quốc và tiến hành các hoạt động diễn tập. Người phát ngôn Bộ Quốc phòng Mỹ Gary Ross cho biết tàu khu trục Decatur đã thực hiện việc quá cảnh "theo lộ trình và bằng cách thức hợp pháp", đồng thời nói rằng sau đó, tàu khu trục Decatur đã dừng lại và diễn tập trước khi đi rút khỏi khu vực này. Con tàu này không hề đi vào khu vực 12 hải lý tính từ bất kể một thực thể nào thuộc quần đảo Hoàng Sa. Nó di chuyển ngoài vùng chủ quyền, hoạt động phù hợp với luật pháp và tiêu chuẩn quốc tế. Ông Ross còn cho biết "tàu Hải quân Mỹ đã thách thức các đường cơ sở phi pháp của Trung Quốc vào năm 1997, 2011, 2013, 2014 và 2015. Mặc dù sự việc năm 1997 không được đưa vào báo cáo hàng năm của Bộ Quốc phòng Mỹ nhưng chúng tôi khẳng định việc đó đã xảy ra".  

          Một nguồn tin giấu tên thuộc Chính phủ Mỹ nói với hãng Reuters hồi tháng 11/2015 rằng các hoạt động tự do hàng hải của Mỹ sẽ được tổ chức hai lần một quý hoặc nhiều hơn. Theo các nguồn tin công khai, tần suất tự do hàng hải không được như thế, các hoạt động tự do hàng hải cách nhau 95, 101 hay 164 ngày (trung bình là 120 ngày). Vì thế, nhiều khả năng hoạt động tiếp theo sẽ diễn ra sau khi ông Trump nhậm chức tổng thống Mỹ, tức là chỉ 95 ngày kể từ ngày 21/10/2016. 

       Xem xét một số ít những lựa chọn về chính sách Biển Đông sắp tới, nhiều nhà quan sát sẽ đánh giá Chính quyền Trump dựa trên việc họ thực hiện hoạt động tự do hàng hải tại Biển Đông. Nếu họ tiến hành tuần tự từ Hoàng Sa tới Trường Sa thì có thể điểm đến tiếp theo là Trường Sa, trong đó địa điểm có quan hệ trực tiếp với phán quyết ngày 12/7 của Tòa Trọng tài  ở La Hay (Hà Lan) là đá Vành Khăn - một thực thể nửa chìm nửa nổi mà không thể tạo ra vùng lãnh hải, đặc quyền kinh tế hay thềm lục địa. Nếu Mỹ không công nhận bất cứ quyền nào của Trung Quốc đối với vùng biển xung quanh đá Vành Khăn thì tàu Hải quân Mỹ có thể đi lại trong phạm vi 12 hải lý của thực thể này.  

       Chính quyền mới của Mỹ vẫn có cơ hội để suy nghĩ lại xem họ có muốn tiếp tục sử dụng tự do hàng hải như là nền tảng cho các hoạt động hàng hải ở bên trong và xung quanh Trường Sa hay không.Trường hợp Chính quyền Trump lựa chọn giải pháp "tiếp tục" thì họ cũng cần phải xem xét những nguy cơ có thể xảy ra. Bắc Kinh có thể sẽ cố gắng ngăn chặn bằng việc triển khai các máy bay chiến đấu hoặc các hệ thống vũ khí tại Hoàng Sa. Một tình huống khác là Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte phản ứng lại bằng cách hủy bỏ việc phối hợp với quân đội Mỹ.  Tuy nhiên, tự do hàng hải chỉ là một dạng trong các hoạt động hàng hải, tập trung chủ yếu vào luật pháp hơn là yếu tố chính trị của an ninh hàng hải. Và Mỹ cần chú ý đến điều đó.