KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Cá ngừ về Sa Huỳnh

TTXVN-VNA | 30-12-2016 | 00:00

Đánh bắt cá ngừ đại dương ở vùng ngư trường Hoàng Sa là nghề truyền thống của ngư dân Sa Huỳnh - Quảng Ngãi.

Từ đầu năm đến nay, cảng cá Sa Huỳnh ở huyện Đức Phổ, tỉnh Quảng Ngãi luôn nhộn nhịp với hình ảnh những chuyến tàu công suất lớn đánh bắt xa bờ trở về với những khoang tàu đầy ắp cá ngừ đại dương tươi rói.
Chúng tôi có mặt ở cảng cá Sa Huỳnh khi mặt trời còn chưa ló rạng trên mặt Biển Đông nhưng đã thấy ở đó có hơn 10 xe đông lạnh loại trọng tải hơn 20 tấn đứng chờ tàu về.

Hỏi chuyện chị Hoàng Mai, một thương lái chuyên thu mua cá ngừ để cung cấp cho các công ty chế biến thủy sản ở Tp. Hồ Chí Minh mới biết, từ đầu năm đến nay cá ngừ đại dương đang là mặt hàng thủy sản xuất khẩu mạnh, nên thương lái các nơi về lùng mua rất đông.

Chị Mai đã có thâm niên hơn 5 năm thu mua cá ngừ đại dương ở cảng Sa Huỳnh nên ít nhiều cũng kinh nghiệm hơn các thương lái khác. Chị thường đặt cọc tiền trước cho các chủ tàu cá ngay từ khi tàu còn chưa rời bến, vì thế chẳng bao giờ sợ chủ tàu bán cá cho người khác khi thấy giá cao hơn.

Chị Mai bảo: “Mùa cá ngừ chỉ kéo dài từ tháng 3 đến tháng 8 thôi, nếu mình không đặt trước một vài chủ tàu tin cậy thì khó mà tranh mua được lắm!”.

Nếu gặp thời tiết thuận lợi và đúng mùa cá,
mỗi tàu đi đánh bắt ở Hoàng Sa khoảng 12 ngày có thể đánh bắt được hơn 10 tấn cá ngừ đại dương.



Cá ngừ được bảo quản cẩn thận dưới hầm lạnh của tàu trong suốt quá trình đi biển để đảm bảo độ tươi ngon.


Mùa đánh bắt cá ngừ năm nay, ngư dân Sa Huỳnh gặp luồng cá lớn nên có tàu đánh bắt được cả chục tấn cá.



Cá đưa lên bờ sẽ được rửa sạch.


Trọng lượng trung bình của cá ngừ đại dương khoảng trên 50kg/con, thậm chí có con lên tới cả tạ.



Đối với những con cá ngừ có trọng lượng khoảng 100 cân trở lên, người ta phải dùng móc câu để thuận tiện cho việc vận chuyển.


Mỗi ngư dân đi đánh bắt về đều được chủ tàu chia cho một phần
cá ngừ tươi ngon để làm quà cho gia đình sau một chuyến ra khơi.



Thị cá ngừ đại dương ngon thường có màu đỏ tươi, lượng mỡ vừa phải và có giá bán rất cao, khoảng hơn 100 nghìn đồng/kg. 

Mặt trời vừa nhú lên ửng hồng trên mặt biển, cảng cá đã đông người. Đó là người nhà của các chủ tàu ở xã Phổ Thạnh đến sớm để đón tàu về. Trong đám người đến chờ tàu hôm ấy có lão ngư dân Trần Văn Tình, nhìn dáng người nom đã đến tuổi thất tuần. Thấy chúng tôi mê mải chụp ảnh, ông lão lân la đến bắt chuyện.

Dân ở Sa Huỳnh cho biết, cụ Tình là một ngư dân lão luyện, thời trẻ từng dọc ngang khắp các vùng biển ở Hoàng Sa và Trường Sa đánh bắt cá ngừ đại dương. Có người còn quả quyết, đời cụ Tình ở Hoàng Sa, Trường Sa không khéo còn nhiều hơn ở đất liền. Chẳng thế mà lúc đứng nói chuyện với bọn tôi, nhìn trời mây cụ phán một câu chắc nịch: “Tháng này trời mới tinh mơ mà mây hồng đã vần vũ, kiểu gì tàu đi đánh bắt ở Hoàng Sa cũng trúng cá ngừ theo đàn”.

Cụ Tình nói chưa dứt lời thì đã nghe từng hồi còi tàu rúc xin đường về bến. Đó là chiếc tàu có công suất 320CV của anh Nguyễn Bình ở thôn La Vân, xã Phổ Thạnh.
Anh Bình cởi trần đen nhẻm, mình đầy cơ bắp đang hô hào đám thủy thủ đoàn neo tàu vào bến nhưng vẫn không quên ngoái lên bờ gào to: “Được khoảng 12 tấn, toàn cá ngừ loại 40 cân đến 1 tạ”. Tàu anh Bình đi câu ở ngư trường Hoàng Sa 12 ngày, gặp luồng cá lớn, câu được nhiều nên về sớm hơn dự kiến.

Sau tàu anh Bình, một loạt tàu khác cũng rúc còi liên hồi xin đường về bến. Đó là tàu anh Minh, tàu anh Thinh, tàu ông Sáu… Nhìn nét mặt các chủ tàu, thấy ai cũng rạng ngời nên đoán chắc tàu họ đều trúng luồng cá.


Năm nay cá ngừ đại dương đang là mặt hàng thủy sản xuất khẩu mạnh, nên thương lái các nơi về lùng mua rất đông.


Cá ngừ đại dương là mặt hàng xuất khẩu có giá trị kinh tế lớn.


Nên để cá luôn giữ được độ tươi ngon, nhiều thương lái thường độn thêm đá vào bụng cá để bảo quản.


Sau đó được đưa lên xe lạnh bảo quản bằng cách phủ kín thêm một lớp đá ở bên ngoài.


Các máy xay đá ở cảng Sa Huỳnh hoạt động hết công suất phục vụ việc ướp cá.


Ăn theo mùa cá ngừ, ở cảng cá Sa Huỳnh đã xuất hiện nhiều dịch vụ cung cấp đá lạnh để bảo quản cá.


Cảng Sa Huỳnh là cảng cá lớn nhất tỉnh Quảng Ngãi, là nơi tập kết của gần 1000 tàu cá
của ngư dân 2 xã Phổ Châu và Phổ Thạnh huyện Đức Phổ, lượng thủy sản giao dịch hàng năm chiếm 2/3 lượng thủy sản toàn tỉnh.

Lúc mặt trời đứng bóng, dọc theo cầu cảng dài chừng 500m đã có hơn 50 chiếc tàu cập bến. Tiếng người í ới gọi nhau khiêng cá, cân cá, tiếng thương lái trả giá, chọn hàng khuấy động cả một vùng biển Sa Huỳnh bình yên.

Lão ngư Tình dẫn chúng tôi đến tàu con trai mình là anh Trần Văn Tài. Tàu anh Tài đã chuyển hết cá xuống xe đông lạnh cho thương lái. Cả thủy thủ đoàn 7 người đang xẻ con cá ngừ nặng khoảng 60 cân chia nhau mang về làm quà cho người nhà, coi như lộc của một chuyến ra khơi.

Cầm cọc tiền vừa được thương lái thanh toán, Tài bảo: “Chuyến này cá ngừ được giá, từ 80 – 120 nghìn đồng/cân tùy con to nhỏ. Trừ tiền xăng dầu, lương thực, chuyến này tụi em chia nhau mỗi người cũng được hơn 15 triệu đồng. Đúng là mùa no biển, ra khơi gặp cá đàn sướng lắm, mỗi ngày câu 1 tấn cá nhẹ như không!”.

Cái từ “no biển” mà Tài nói, theo như cách hiểu nôm na của bọn tôi, tiếng địa phương có nghĩa là mùa biển nhiều cá. Và điều đó cũng đồng nghĩa mùa cá ngừ đại dương này, ngư dân Quảng Ngãi lại tiếp tục thắng lớn./.

Bài: Thông Thiện - Ảnh: Công Đạt