KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Nghiên cứu và đào tạo vì sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam

TTXVN-VNA | 28-12-2016 | 23:26

Quang cảnh cuộc hội thảo.

Ngày 28/12/2016, trường Đại học Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội đã tổ chức Hội thảo khoa học “Nghiên cứu và đào tạo vì sự phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam”.

 

Đây là diễn đàn cho các nhà khoa học, nhà nghiên cứu, nhà quản lý, lãnh đạo doanh nghiệp chia sẻ kinh nghiệm và mô hình đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực kinh tế biển; nghiên cứu chính sách và thực tiễn phát triển kinh tế biển gắn với bảo vệ môi trường, hệ sinh thái biển; các giải pháp cụ thể nhằm đẩy mạnh công tác thống kê, dự báo về nhu cầu nguồn nhân lực; xác định rõ tiêu chuẩn đào tạo và đa dạng hóa phương thức đào tạo phục vụ phát triển kinh tế biển, hải đảo, các mô hình khai thác bền vững tiềm năng và thế mạnh của biển, đảo Việt Nam.

 

Trong Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Đảng và Nhà nước ta đã xác định mục tiêu Việt Nam phải trở thành quốc gia mạnh từ biển, giàu lên từ biển theo hướng phát triển bền vững, phấn đấu đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP; 55-60% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước; giải quyết tốt các vấn đề xã hội, cải thiện thêm một bước đáng kể đời sống cho nhân dân vùng biển và ven biển. Tuy nhiên, sự phát triển của kinh tế biển, đảo ở nước ta thời gian qua vẫn chưa xứng tầm với các điều kiện và lợi thế sẵn có.

 

Trên cơ sở đó, các ý kiến tham luận tại hội thảo đã đưa ra nhiều phân tích, lập luận nhằm có được nhận thức đúng đắn về cơ hội, thách thức và các giải pháp phát triển bền vững kinh tế biển Việt Nam, đồng thời nâng cao vai trò và trách nhiệm của các đơn vị nghiên cứu và giáo dục, các cơ quan quản lý, doanh nghiệp, các địa phương  trong nghiên cứu và đào tạo phát triển nguồn nhân lực đáp ứng mục tiêu phát triển bền vững kinh tế biển.

 

Theo PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi (khoa Môi trường, trường Đại học Khoa học tự nhiên), vấn đề đào tạo chuyên ngành Kinh tế biển cần được tiếp cận theo hướng “đa ngành”, làm sáng tỏ mục tiêu của hoạt động đào tạo và bồi dưỡng nguồn nhân lực phục vụ phát triển kinh tế biển theo tiêu chí bền vững. PGS.TS. Nguyễn Chu Hồi nhấn mạnh trong một thế giới chuyển đổi và toàn cầu hóa với vai trò đặc biệt quan trọng của biển và đại đương thì tính phụ thuộc lẫn nhau thể hiện rõ nét hơn bao giờ hết: toàn cầu hóa ảnh hưởng đến các quốc gia và khu vực, ngược lại sự phát triển đúng hướng, bền vững và hiệu quả nền kinh tế biển của một quốc gia ven biển như Việt nam sẽ đóng góp không nhỏ trong thực hiện chiến lược phát triển bền vững.

 

Cùng bàn về vấn đề đào tạo, xuất phát từ thực tế đào tạo sau đại học trong lĩnh vực kinh tế - kinh doanh tại Việt Nam mới chỉ có một vài chương trình chuyên biệt về hảng hải, vận tải biển, logistics, TS. Nguyễn Quốc Việt (chủ nhiệm khoa Kinh tế phát triển, Giám đốc chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển, trường Đại học Kinh tế, Đại học Quốc gia Hà Nội) tập trung phân tích và làm sáng tỏ mục tiêu đào tạo của chương trình Thạc sĩ Kinh tế biển hướng tới phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam. Chương trình này sẽ trang bị các kiến thức và kỹ năng cần thiết cho việc phân tích, đánh giá hiệu quả phát triển kinh tế biển, hoạch định và quản lý kinh tế tài nguyên biển, các chính sách phát triển các ngành kinh tế biển cụ thể hướng đến phát triển kinh tế biển một cách bền vững và bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

 

Thảo luận về những nghiên cứu cập nhật các vấn đề liên quan đến  phát triển kinh tế bền vững biển, đảo Việt Nam, TS. Dư Văn Toán (Viện Nghiên cứu Biển và Hải đảo) đã chia sẻ về hiện trạng ô nhiễm môi trường vùng vịnh ven biển trước sức ép của các hoạt động kinh tế - xã hội trong những năm gần đây. Đặc biệt, năm 2016 với hàng loạt sự cố môi trường biển liên quan đến vịnh Vũng Áng gây ra ô nhiễm môi trường vịnh và vùng lân cận, đồng thời suy giảm hệ sinh thái biển, thiệt hại nghiêm trọng đến các ngành nghề đánh bắt hải sản, du lịch, kinh tế biển khác và công tác giải quyết sự cố môi trường thì lung túng và bị động. Do vậy, TS. Toán đề xuất cần phải có cơ chế đặc biệt quản lý vũng vịnh ven biển Việt Nam phục vụ phát triển bền vững gắn với lợi thế và tiềm năng biển của từng địa phương.

 

Hội thảo “Nghiên cứu và đào tạo vì sự phát triển bền vững Kinh tế biển Việt Nam” là diễn đàn khoa học hữu ích để chia sẻ thông tin và kinh nghiệm đào tạo và nghiên cứu nhằm góp phần thúc đẩy phát triển nền kinh tế biển Việt Nam, đồng thời giúp tăng cường và nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho phát triển kinh tế biển, đảo tại Việt Nam.

 

Kim Anh