KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Nhịp sống trên xã đảo Thạnh An

TTXVN-VNA | 30-12-2016 | 14:52

Nghề nuôi hàu ở Thạnh An.

Nằm ở phía Đông và hoàn toàn tách biệt với vùng đất liền Tp. Hồ Chí Minh, xã đảo Thạnh An thuộc huyện Cần Giờ trước đây được xem là nơi khó khắn nhất của Thành phố. Nhưng bằng những nố lực vượt khó, Thạnh An giờ đã thay da đổi thịt và thu hút du khách đến trải nghiệm nhịp sống trên hòn đảo nhỏ xinh đẹp này.

Từ trung tâm Tp. Hồ Chí Minh, chúng tôi di chuyển về Rừng Sác tới bến đò thị trấn Cần Thạnh, là điểm xuất phát để ra xã đảo Thạn An. Mỗi ngày có 5 chuyến đò từ đất liền ra xã đảo Thạnh An và ngược lại với giá vé chỉ 10 ngàn đồng/chuyến. Mất 40 phút ngồi trên thuyền, Thạnh An hiện ra giữa một vùng mênh mông sóng nước được bao quanh bởi rừng đước và con đê chắn sóng bằng đá. Xã đảo Thạnh An được xem như cửa ngõ trọng yếu của Sài Gòn – Gia Định năm xưa, có diện tích khoảng 131km vuông nhưng chủ yếu là rừng ngập mặn, chia làm 3 ấp là Thạnh Hòa, Thạnh Bình và Thiềng Liềng với gần 5000 người dân sinh sống. Nghề chính của người dân là đánh bắt hải sản, làm muối, nuôi hàu.

Đến Thạnh An vào những ngày đầu năm thấy cuộc sống của người dân nơi đây nhộn nhịp, dân cư trên đảo đông đúc với cơ sở vật chất khang trang. Những năm qua, Tp. Hồ Chí Minh đã triển khai hàng loạt các chương trình, chính sách ưu tiên như: xây dựng trường học, trạm y tế, kiên cố hóa hệ thống đê kè ven biển chống triều cường xâm thực, phát triển mạng lưới đường liên xã, liên ấp bằng bê tông…

Được biết, mọi nhu yếu phẩm sinh hoạt của người dân ở Thạnh An như nước uống, rau củ, thịt… đều được vận chuyển bằng thuyền, ghe từ đất liền ra. Đặc biệt, kể từ khi xã đảo Thạnh An có điện lưới quốc gia vào tháng 4/2015 đã giúp cuộc sống người dân nơi đây thay đổi. Trước đây, người dân chỉ được dùng điện bằng từ trạm phát diesel nên điện chỉ có vài giờ trong ngày, ảnh hưởng rất lớn đến sinh hoạt, sản xuất của người dân. Giờ đây, với việc có điện ổn định, người dân sử dụng điện vào sản xuất muối, mua sắm thiết bị phục vụ kinh doanh, nuôi trồng và chế biến hải sản, làm dịch vụ và du lịch… từng bước nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống.

Thiềng Liềng  là vùng sản xuất muối quy mô lớn của xã đảo Thạnh An với diện tích lên tới 400 hecta. Bà Trần Thị Tuyết Mai, có 2,5 hecta diện tích làm muối phấn khởi cho biết: “Nhờ ruộng muối này mà gia đình tôi nuôi được bốn con trai ăn học. Ba đứa đã tốt nghiệp đại học và ra trường có việc làm, còn đứa nhỏ nhất học tiểu học”.

Được biết, tới đây, Dự án do EVNHCMC làm chủ đầu tư, xây dựng một mạch cáp ngầm 22kV dưới biển, với chiều dài tuyến cáp là 5,874 km để kéo điện từ Thị trấn Cần Thạnh đến xã đảo Thạnh An. Ngoài ra, sẽ lắp đặt thêm một mạch cáp ngầm chuyên dụng 22 kV, với chiều dài 8,710 km trên cạn; xây dựng mới hai trạm ngắt tại thị trấn Cần Thạnh và xã đảo Thạnh An, cùng với tủ trung thế hợp bộ 24kV.

Khi đi vào vận hành, công trình sẽ cấp điện cho địa bàn xã đảo Thạnh An từ lưới điện Quốc gia, nhằm ổn định chất lượng nguồn điện phục vụ sản xuất và sinh hoạt của địa phương, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội trên địa bàn theo quy hoạch phát triển du lịch đến năm 2020.

Vào cuối tuần, xã đảo đón tiếp rất nhiều du khách từ đất liền ra thăm, thưởng thức hải sản tươi sống với giá rẻ. Nếu mê câu cá, du khách có thể thuê thuyền ra biển buông câu, hoặc đi một vòng  tham quan đảo, ghi lại những khoảnh khắc về cuộc sống tập tập của ngư dân./.

Bài: Nguyễn Oanh