KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng, bền vững

TTXVN-VNA | 29-12-2016 | 14:35

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng, bền vững. Ảnh: TTXVN

Nuôi trồng thủy sản được xác định là ngành kinh tế chủ lực trong cơ cấu phát triển ngành thủy sản của tỉnh Kiên Giang. Từ nay đến năm 2020, Kiên Giang tập trung đầu tư phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng và bền vững.

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang, quy hoạch nuôi trồng thủy sản đến năm 2020 của tỉnh tổng diện tích 216.255 ha; sản lượng hơn 265.500 tấn, trong đó tôm nuôi khoảng 80.000 tấn. Nuôi tôm nước lợ 104.325 ha, gồm: thâm canh - bán thâm canh 5.000 ha, quảng canh - quảng canh cải tiến 19.325 ha ở các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Hòn Đất, An Biên, An Minh, Vĩnh Thuận, U Minh Thượng và thị xã Hà Tiên; tôm - lúa 80.000 ha, tập trung trên vùng sản xuất U Minh Thượng và 3 huyện Hòn Đất, Kiên Lương, Gò Quao.

Ngoài ra, nuôi tôm càng xanh trong ruộng lúa hơn 5.000 ha ở những vùng, tiểu vùng sản xuất có điều kiện thuận lợi, môi trường sinh thái phù hợp để giúp nông dân tăng thêm thu nhập.

Tỉnh quy hoạch phát triển các đối tượng nuôi cá nước ngọt khoảng 35.000 ha ở vùng U Minh Thượng, các huyện An Biên, An Minh, Tân Hiệp, Gò Quao, Giồng Riềng với nhiều hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh; nuôi kết hợp cá - lúa, rừng - cá, vườn - cá… Cùng với đó, nuôi thủy đặc sản: lươn, ếch, ba ba, cá chạch lấu… khoảng 100 ha. Khoanh vùng, bảo vệ và phát triển các đối tượng nhuyễn thể có tiềm nằng lớn, giá trị kinh tế cao như: sò huyết, sò lông, nghêu lụa, hến biển, ốc hương, trai ngọc… khoảng 16.800 ha, tập trung ở vùng bãi triều các huyện Kiên Lương, Hòn Đất, Phú Quốc, An Biên, An Minh.

Bên cạnh đó, tỉnh phấn đấu ổn định diện tích nuôi cua biển 60.000 ha ở các huyện Giang Thành, Kiên Lương, Hòn Đất, An Biên, An Minh và thị xã Hà Tiên, gồm nuôi chuyên canh, nuôi kết hợp trong đầm vuông tôm. Phát triển nuôi lồng khu vực ven biển, ven đảo các huyện Kiên Lương, Kiên Hải, Phú Quốc và thị xã Hà Tiên khoảng 3.000 lồng, với các đối tượng cá biển có giá trị kinh tế cao và tôm hùm.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Kiên Giang Nguyễn Văn Tâm cho biết, trên cơ sở quy hoạch nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng và bền vững, tỉnh xây dựng vùng ứng dụng công nghệ cao sản xuất thủy sản. Vùng nuôi tôm công nghiệp Tứ giác Long Xuyên và U Minh Thượng, tập trung đầu tư hệ thống điện và hệ thống kênh cấp và tiêu thoát nước hoàn chỉnh, xây dựng trạm quan trắc môi trường tự động. Xây dựng vùng nuôi tôm công nghệ cao, áp dụng đồng bộ các quy trình công nghệ nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng thâm canh, siêu thâm canh đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, ASC, BAP…

Quản lý con giống, thức ăn; quản lý và xử lý nước, kiểm soát chặt chẽ dịch bệnh; xử lý ô nhiễm môi trường bằng những công nghệ tiên tiến. Đối với vùng nuôi tôm - lúa quảng canh ở vùng sản xuất U Minh Thượng, áp dụng quy trình nuôi tôm sinh thái, sạch gắn với bảo vệ môi trường để phát triển bền vững. Xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm sinh thái.

Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hướng an toàn, chất lượng và bền vững, tỉnh Kiên Giang tổ chức sản xuất theo hướng hàng hóa, phù hợp điều kiện của từng vùng sinh thái gắn với sự tham gia của doanh nghiệp để liên kết sản xuất, thu mua và tiêu thụ sản phẩm. Phát triển mạnh hình thức kinh tế tập thể, trang trại, hợp tác xã để vừa đầu tư mạnh về cơ sở hạ tầng kỹ thuật, quản lý môi trường, nguồn nước, kiểm soát dịch bệnh, vừa tạo ra sản lượng hàng hóa lớn, chất lượng cao, đồng đều, khả năng cạnh tranh cao trên thị trường.

Ngoài ra, tỉnh sẽ tăng cường các nhóm giải pháp về khoa học - công nghệ trong nuôi trồng thủy sản như: con giống, khuyến ngư, chuyển giao và ứng dụng khoa học kỹ thuật, trình diễn mô hình nuôi thủy sản, ứng dụng quy trình canh tác tiên tiến nuôi tôm cá an toàn và hiệu quả, đào tạo nguồn nhân lực…

“Đặc biệt, mô hình tôm - lúa là mô hình sản xuất có ưu thế vượt trội trong thích ứng với biến đổi khí hậu, vừa giúp nông dân thu về 2 nguồn lợi tôm và lúa trên cùng một diện tích đất, vừa tạo ra môi trường sinh thái bền vững cho sản xuất nông nghiệp. Đồng thời, tạo ra nguồn nguyên liệu thủy sản chất lượng tốt cung ứng cho chế biến xuất khẩu”, ông Nguyễn Văn Tâm nhấn mạnh.

Từ nay đến năm 2020, tỉnh đầu tư phát triển mạnh công nghiệp chế biến thủy sản xuất khẩu như: thủy sản đông lạnh; chế biến thủy sản giá trị gia tăng; chế biến thủy sản tinh, thực phẩm ăn liền đóng hộp; chế biến các loại khô…

Tỉnh tập trung triển khai hiệu quả nhiều chương trình, dự án phát triển nuôi trồng thủy sản. Cụ thể, chương trình nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong sản xuất lúa gạo, thủy sản; giống cây trồng, vật nuôi và thủy sản… Các dự án nuôi tôm công nghiệp và nuôi tôm siêu thâm canh vùng Tứ giác Long Xuyên; tôm - lúa bền vững vùng U Minh Thượng; khôi phục nguồn lợi cá đồng Vườn Quốc gia U Minh Thượng; sản xuất giống thủy sản ở xã Lại Sơn (Kiên Hải) và xã Sơn Hải (Kiên Lương); nuôi cá lồng bè thâm canh ở Nam Du - An Sơn (Kiên Hải); dự án khuyến nông tăng cường năng lực chuyển giao tiến bộ kỹ thuật phát triển nông - thủy sản.../.

Lê Huy Hải - Linh An