BIỂN ĐÔNG

Vấn đề Biển Đông: Điểm nóng Scarborough sẽ đi theo chiều hướng nào?

TTXVN-VNA | 20-12-2016 | 16:04

Đường lưỡi bò phi lý của Trung Quốc chiếm hơn 80% diện tích Biển Đông. Nguồn: internet


          TTXVN (Hà Nội 20/12)

          Bãi cạn Scarborough, tâm điểm trong tranh chấp chủ quyền giữa Philippines và Trung Quốc trong suốt thời gian qua, đã thu hút rất nhiều sự chú ý của dư luận. Điều mà nhiều người băn khoăn là các diễn biến tại vùng biển này sắp tới sẽ đi theo chiều hướng nào?

 

          Thỏa thuận ngầm

          Tháng 10/2016, Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã tới thăm Bắc Kinh và ký một loạt biên bản ghi nhớ hứa hẹn hợp tác kinh tế và quân sự lớn giữa hai nước. Khi đó, đã xuất hiện nhiều đồn đoán về một thỏa thuận liên quan đến việc các ngư dân Philippines quay trở lại ngư trường truyền thống ở Bãi cạn Scarborough hiện do Trung Quốc kiểm soát. Tuy nhiên, người phát ngôn của tổng thống là Ernesto Abella sau đó khẳng định rằng hai bên đã nhất trí về một thỏa thuận ngầm, đồng thời nhấn mạnh Philippines đã có thể đánh bắt cá tại khu vực này “mà không gặp phải trở ngại nào”.

          Theo trang mạng “lawfareblog.com”, trên thực tế, cái được coi là “tạm ước” song phương không tồn tại ở Bãi cạn Scarborough. Những tuyên bố hồi đầu tháng 11 của Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana là không hề chính xác, bởi trong khi ông nói rằng “hiện đã không còn bất kỳ tàu tuần duyên hay tàu hải quân của Trung Quốc tại khu vực Scarborough” thì ảnh chụp vệ tinh của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á (AMTI) cho thấy vẫn còn rất nhiều tàu tuần duyên Trung Quốc đang neo đậu trong khu vực, và ít nhất một trong số này vẫn đang chặn lối vào bãi cạn. Ngư dân Philippines cũng cho biết dù “không còn bị xua đuổi”, song họ vẫn “không thể đi vào khu vực phía trong” bãi cạn.

             Giới chức Philippines đã tỏ ra rất lạc quan. “lawfareblog.com” dẫn lời Hạ nghị sỹ Harry Roque khẳng định hồi đầu tháng 11/2016: “Những nỗ lực của Tổng thống Duterte trong mối quan hệ với Trung Quốc đã giúp cải thiện cuộc sống của các ngư dân”. Trong khi đó, Cố vấn An ninh Nhà nước Hermogenes Esperson cho rằng Manila và Bắc Kinh có sự thấu hiểu “hữu nghị” và tình hình hiện nay là có lợi cho cả đôi bên. Ngoại trưởng Perfecto Yasay cũng đánh giá cao việc Trung Quốc dừng ngăn chặn ngư dân Philippines hoạt động tại bãi cạn này, coi đó là một bước thể hiện “lòng tin song phương”.

             Giới chức Trung Quốc cũng có những bình luận tương tự song dè dặt hơn. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Hoa Xuân Oánh ca ngợi “sự cải thiện toàn diện trong quan hệ giữa Trung Quốc và Philippines”, song cảnh báo rằng “Trung Quốc luôn có quyền tài phán đối với đảo Hoàng Nham (cách nước này gọi Bãi cạn Scarborough). Tình hình sẽ không có gì thay đổi”. Trong một bình luận thận trọng, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh: “Chúng tôi hy vọng đó là tín hiệu cho thấy Trung Quốc và Philippines đang dần tiến tới một thỏa thuận chia sẻ tại Bãi cạn Scarborough, phù hợp với phán quyết ngày 12/7/2016 của Tòa Trọng tài”.

             Trong khi đó, nhiều nhà phân tích khác tỏ ra khá bi quan về những diễn biến này. Ông Jay Batongbacal, viết trên trang mạng “rappler.com” hồi đầu tháng rằng những tuyên bố của Philippines đang ngầm đồng thuận rằng Trung Quốc có quyền hợp pháp ở Bãi cạn Scarborough. Thậm chí, chuyên gia Đoàn Xuân Lộc của tờ “Asia Times” còn cảnh báo Philippines có thể đang tự đạp đổ chiến thắng pháp lý của mình tại Tòa Trọng tài. Nhà báo Ashley Townshend của tờ “Crossroads Today” đánh giá thỏa thuận ngầm giữa Trung Quốc và Philippines là “một thiệt hại địa chính trị nghiêm trọng đối với Mỹ”.

             Truyền thông Trung Quốc đã nhanh chóng hoan nghênh “thỏa thuận ngầm” mà hai bên đạt được tại Bãi cạn Scarborough. Tờ “Thời báo Hoàn cầu” cho rằng đây là hình mẫu mà toàn bộ khu vực Đông Nam Á, nhất là các nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông, nên học tập.

 

            Cái bẫy?

             Trên thực tế, giới chức Manila và Bắc Kinh đều nhấn mạnh họ chưa từ bỏ các tuyên bố chủ quyền tại đây, và nói rằng hai bên đã nhất trí gạt bỏ các bất đồng về tuyên bố chủ quyền chồng lấn, để cùng tìm cách sửa chữa và khôi phục mối quan hệ song phương đang xấu đi nhanh chóng.

             Tuy nhiên, trong cuộc thảo luận song phương ngày 19/11 bên lề Hội nghị Cấp cao lần thứ 24 Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Lima, Peru, Tổng thống Philippines đã thông báo với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về kế hoạch ban hành một sắc lệnh đơn phương tuyên bố đầm phá hình tam giác bên trong Bãi cạn Scarborough tranh chấp ở Biển Đông là khu bảo tồn biển, cấm ngư dân của cả Philippines và Trung Quốc đánh bắt tại đây. Người phát ngôn của Tổng thống Duterte được tờ “Philippines Star” nói: “Đây là quyết định đơn phương của phía Philippines, nhưng do phía Trung Quốc đã cấm ngư dân đánh bắt cá ở khu đầm phá này, cho nên quyết định được mặc nhiên thừa nhận”.

             Một số nguồn tin cho rằng hệ thống sinh thái ở khu vực đầm phá trong Bãi cạn Scarborough trên thực tế không đáp ứng đủ điều kiện để có thể coi là một ngư trường, mà chỉ có thể làm nơi trú ẩn tránh bão cho tàu bè, việc đánh bắt cá thông thường chủ yếu diễn ra phía ngoài Bãi cạn Scarborough. Một số chuyên gia Trung Quốc được tờ “Thời báo Hoàn cầu” dẫn ý kiến cho rằng tuyên bố thành lập khu bảo tồn của Philippines thực chất có thể là một “cái bẫy”, bởi khu đầm phá nói trên là vùng nội thủy của bãi cạn, một khu vực có thể được xác lập chủ quyền. Do đó, nếu sắc lệnh này có hiệu lực thì nghiễm nhiên Philippines có thể tự khẳng định chủ quyền của mình tại khu vực này.