CHÍNH SÁCH BIỂN ĐẢO

Tháo gỡ "lỗ hổng" trong quy hoạch phát triển kinh tế biển

TTXVN-VNA | 26-12-2016 | 11:23 |

Phương tiện công suất nhỏ đánh bắt thủy sản ven bờ trên vùng biển Kiên Giang. Ảnh: Lê Huy Hải - TTXVN

Theo Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, mục tiêu phát triển biển được Nghị quyết Trung ương 4 (Khóa X) nêu rõ: Đến năm 2020, phấn đấu đưa Việt Nam trở thành quốc gia mạnh về biển, làm giàu từ biển, bảo đảm vững chắc chủ quyền, quyền chủ quyền quốc gia trên biển, đảo, góp phần quan trọng trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho đất nước giàu, mạnh. 

Trên thực tế, mặc dù đã có nhiều nỗ lực cố gắng, nhiều chủ trương và chính sách đã được đưa ra để thúc đẩy phát triển kinh tế biển, song các khó khăn vẫn hiện hữu. Đặc biệt, trong quá trình đầu tư phát triển, đã bộc lộ những bất cập trong quá trình đưa chính sách vào cuộc sống, các vấn đề phát sinh trong lĩnh vực môi trường biển đang khiến dư luận bức xúc và đặc biệt quan tâm. Đã đến lúc phải rà soát, điều chỉnh để khắc phục những bất cập để kinh tế biển phát triển bền vững và gắn liền với tính nhân văn. 

Theo Chiến lược biển Việt Nam, Việt Nam phấn đấu đến năm 2020, kinh tế trên biển và ven biển đóng góp khoảng 53-55% tổng GDP của cả nước; thu nhập bình quân đầu người nơi đây cao gấp hai lần so với thu nhập bình quân chung của cả nước; phấn đấu xây dựng một số thương cảng quốc tế có tầm cỡ khu vực, phát triển mạnh cả khai thác, chế biến sản phẩm từ biển và phát triển các ngành dịch vụ biển… 

Đến nay đã có 6 nhóm ngành, lĩnh vực được nhà nước ưu tiên đầu tư phát triển gồm tìm kiếm, thăm dò, khai thác, chế biến dầu, khí và các loại tài nguyên, khoáng sản biển; vận tải biển, cảng biển, đóng mới và sửa chữa tàu thuyền, phương tiện đi biển và các dịch vụ hàng hải khác; du lịch biển và kinh tế đảo; khai thác, nuôi trồng, chế biến hải sản; phát triển, nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ về khai thác và phát triển kinh tế biển; xây dựng và phát triển nguồn nhân lực biển. 

Đi kèm với đó Đảng và Nhà nước, các bộ, ngành đã ban hành nhiều chính sách khuyến khích phát triển kinh tế biển như: Đề án Phát triển du lịch biển đảo và vùng ven biển đến năm 2020, trong đó ưu tiên phát triển du lịch biển chất lượng cao gắn với mục tiêu đảm bảo an ninh quốc phòng, đặt trong quan hệ phát triển tổng thể chung về kinh tế - xã hội; Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản; Quyết định số 1037/QĐ-TTg năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 203 0 với quan điểm tận dụng tối đa lợi thế về vị trí địa lý và điều kiện tự nhiên để phát triển toàn diện hệ thống cảng biển, hiện đại, nhanh chóng hội nhập với các nước tiên tiến trong khu vực… 

Kinh tế biển đã đóng góp đáng kể vào nền kinh tế chung cả nước; trong đó phải kể tới hệ thống 44 cảng biển với tổng công suất thiết kế từ 470 đến 500 triệu tấn hàng/năm; 6 khu kinh tế ven biển được tập trung ngân sách đầu tư giai đoạn 2013-2015 là những khu vực phát triển kinh tế tổng hợp các ngành, nghề biển như hậu cần nghề cá, công nghiệp gắn với cảng biển và vận tải biển, du lịch biển, đô thị hóa và nghiên cứu khoa học về biển.

Thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, năng lực đánh bắt xa bờ đã được nâng lên đáng kể với hàng trăm tàu vỏ sắt, vỏ gỗ công suất lớn vươn khơi đang làm thay đổi diện mạo ngành khai thác thủy sản ngày càng hiện đại. 

Trong lĩnh vực du lịch biển, với gần 3.000 đảo lớn nhỏ, nhiều đảo/cụm đảo có giá trị du lịch như Quan Lạn, Cát Bà, Bạch Long Vĩ, vịnh Nha Trang, vịnh Hạ Long, Cù lao Chàm, Phú Quý, Côn Đảo, Phú Quốc đã thu hút lượng lớn khách du lịch. Ngành này đang đóng góp 70-80% nguồn thu ngành du lịch. 

Mặc dù vậy, phát triển kinh tế biển Việt Nam vẫn đang dựa vào tư duy khai thác hơn là phát triển hiệu quả và bền vững. Với tâm lý ỷ vào lợi thế biển “giàu và đẹp” nên vẫn tập trung ưu tiên khai thác các dạng tài nguyên vật chất, tươi sống hơn là các dạng tài nguyên phi vật thể, các giá trị dịch vụ của hệ sinh thái biển, không gian biển… 

Người dân vùng biển vẫn còn tư tưởng khai thác triệt để với cách thức tận thu, tận diệt nguồn lợi tự nhiên biển, dẫn đến nhanh chóng cạn kiệt nguồn lợi biển. Từ đó, không tiết kiệm được tài nguyên thiên nhiên biển và không tạo ra được các giá trị gia tăng từ nguồn tài nguyên biển. 

"Hậu quả là môi trường và tài nguyên biển đang bị giảm sút về trữ lượng và hiệu suất khai thác, kể cả các nguồn năng lượng chủ chốt như dầu khí. Đa dạng sinh học biển giảm sút và nguồn vốn tự nhiên biển bị bòn rút đến mức báo động, kéo theo trữ lượng thủy sản trong vùng biển nước ta giảm sút đến 16% so với trước năm 2010. Không những thế, biển đang bị “đe dọa” và các thảm họa về môi trường biển như sự cố tràn dầu, thủy triều đỏ, ô nhiễm do độc tố... sẽ tiếp tục xảy ra", PGS. TS Nguyễn Chu Hồi, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Biển và Hải đảo cho biết. 

Bên cạnh đó, quy hoạch phát triển (khai thác, sử dụng) biển, đảo vừa qua so với trên đất liền còn hạn chế, chưa được chú ý đúng mức. Các quy hoạch theo đúng nghĩa chậm được triển khai. V ấn đề quản lý môi trường biển cũng chưa “rõ vai”, đặc biệt là quản lý nhà nước đối với ô nhiễm biển bởi nguồn từ đất liền. 

Theo Bộ trưởng Bộ Tài Nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà, cần xác định ngay từ đầu, vấn đề xung đột của các dự án đầu tư; đặc biệt là môi trường trong các quy hoạch và trong ý tưởng đầu tư của các dự án. 

Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhìn nhận, về phía Trung ương, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ xem xét để tháo gỡ những lỗ hổng cũng như xác định rõ hơn các quy định của các dự án đầu tư; đặc biệt, cần có sự tham gia của các nhà khoa học, các nhà kinh tế. 

“Phải tính một dự án đầu tư dành bao nhiêu cho sản xuất, bao nhiêu đầu tư cho môi trường”, Bộ trưởng nhấn mạnh. 

Bài học về vụ xả thải của Công ty TNHH Gang thép Hưng nghiệp Formosa Hà Tĩnh với những ảnh hưởng nghiêm trọng tới cuộc sống và môi trường lâu dài của 4 tỉnh ven biển Bắc Trung bộ đã cho thấy còn những sơ hở trong quá trình quản lý, giám sát dự án đầu tư. Hơn lúc nào hết, vấn đề đặt ra lúc này chính là không thể đánh đổi giữa lợi ích kinh tế và môi trường sống.

Quốc Huy

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,