KINH TẾ BIỂN ĐẢO

Chính sách hợp lòng dân

TTXVN-VNA | 28-12-2016 | 10:30 |

Tàu cá được đóng mới. Ảnh: Lâm Khánh-TTXVN

Với mục tiêu hỗ trợ ngư dân vươn khơi bám biển, phát triển kinh tế biển bền vững, góp phần bảo vệ toàn vẹn chủ quyền tổ quốc. Năm 2014, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản (Nghị định 67).

Ngay sau khi nghị định này có hiệu lực thi hành, người dân các tỉnh ven biển phía Nam đã làm thủ tục vay vốn đóng mới tàu thuyền công suất lớn, mua sắm ngư lưới cụ đánh bắt xa bờ.

Những đội tàu có công suất lớn đang được hình thành, vươn khơi xa đánh bắt hải sản, cuộc sống của ngư dân đang dần ổn định.

Tại hai tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận, sau hơn hai năm triển khai chính sách về phát triển thủy sản, ngư dân đã được vay vốn đóng mới tàu vỏ thép với công suất lớn tăng lên gấp đôi. Số lượng tàu công suất lớn vỏ gỗ, vỏ gỗ bọc composit, vỏ thép của 2 tỉnh này cũng tăng gấp đôi so với trước tháng 7/2014; trong đó, số lượng tàu đóng bằng nguồn vốn vay theo Nghị định 67 đã được phê duyệt là 220 chiếc.

Bà Bùi Thị Ánh Vân, Chủ tịch Hội Nghề cá Ninh Thuận cho biết, trước đây ngư dân Ninh Thuận có thói quen khai thác gần bờ chứ không trang bị kĩ năng đánh bắt xa bờ mạnh như ngư dân các tỉnh khác.

Mặt khác cũng vì nguồn vốn của ngư dân quá thấp, không đủ để đầu tư tàu công suất lớn có giá trị từ 5 tỷ đồng trở lên. Do đó, đánh bắt gần bờ với tàu công suất nhỏ, nguồn vốn ít luôn được lựa chọn.

Kể từ khi Nghị định 67 có hiệu lực, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Ninh Thuận đã tuyên truyền và vận động ngư dân chuyển đổi phương tiện đánh bắt thủy sản.

Từ đó, nhận thức của ngư dân được nâng lên, mạnh dạn tham gia các dự án đóng mới, nâng cấp tàu có công suất lớn khai thác và dịch vụ hậu cần nghề cá , năng lực tàu cá của tỉnh tăng lên nhanh chóng đáp ứng yêu cầu vươn khơi khai thác vùng biển xa, góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo.

UBND tỉnh Ninh Thuận đã phê duyệt 40 hồ sơ đủ điều kiện đăng ký vay vốn tín dụng để đóng mới, nâng cấp tàu cá, với tổng dự toán hơn 330 tỷ đồng. Hiện tỉnh Ninh Thuận đã hạ thủy được 15 tàu đóng mới theo Nghị định 67, còn 12 tàu đang trong quá trình hoàn tất, ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận cho biết.

Cũng giống như tỉnh Ninh Thuận, thời gian qua UBND tỉnh Bình Thuận cũng đã phê duyệt 180 hồ sơ vay vốn. Tính đến 30/9/2016 các ngân hàng đã thẩm định được 73 hồ sơ vay vốn; trong đó có 58 tàu đã hoàn thành và đi vào hoạt động, những hồ sơ còn lại đang chờ thẩm định và giải ngân.

Nghị định này đã giúp ngư dân Bình Thuận có điều kiện để đóng mới cũng như nâng cấp tàu cá phục vụ hoạt động đánh bắt xa bờ, đời sống ngư dân được ổn định, thu nhập tốt hơn, đồng thời giảm dần tình trạng đánh bắt gần bờ làm cạn kiệt nguồn lợi thủy sản tự nhiên, bảo vệ môi trường sinh thái, bà Lê Đỗ Hương, Trưởng phòng Thủy sản, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Thuận chia sẻ.

Bên cạnh hiệu quả giải quyết nguồn vốn cho ngư dân có phương tiện phục vụ phát triển thủy sản, trong quá trình thực hiện Nghị định 67 vẫn còn nhiều vướng mắc. Chẳng hạn như đối với tàu vỏ thép, cả 2 tỉnh Ninh Thuận và Bình Thuận chưa có cảng cá, khu neo đậu và luồng lạch phù hợp.

Trong khi đó, giá thành đóng mới tàu vỏ thép cao hơn so với loại tàu vỏ gỗ và vỏ gỗ bọc composit, nhiên liệu tiêu thụ nhiều hơn, ngư dân cũng chưa quen với việc điều khiển, sử dụng và bảo quản loại tàu này.

Đến cơ sở đóng tàu Đại Thịnh, huyện Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận, chúng tôi được ông Cao Thanh Tùng đưa đi xem chiếc tàu công suất 800 CV đang trong quá trình hoàn thành. Ông Tùng cho biết, vừa qua cơ sở Đại Thịnh đã hạ thủy chiếc tàu 600 CV và còn 1 chiếc công suất 800 CV, 2 chiếc công suất 1.000 CV đang trong quá trình hoàn thiện.

Tuy nhiên, 1 trong 2 chiếc công suất 1.000 CV gặp trở ngại vì những thông số máy tàu trên thực tế không khớp với thông số của hồ sơ. Do đó hồ sơ này đã phải hoãn lại chờ thẩm định mới có thể giải ngân vốn thực hiện.

Ông Cao Thanh Tùng, chủ cơ sở đóng tàu Đại tịnh, huyện Cà Ná, tỉnh Ninh Thuận cho rằng, trước khi làm hồ sơ vay vốn, các ngư dân cần được hướng dẫn kĩ hơn về các yếu tố kĩ thuật của máy tàu, ngư lưới cụ, các chi tiết và thông số kĩ thuật của thân tàu.

Ngư dân phối hợp chặt chẽ với cơ sở đóng tàu để hoàn thiện bản thiết kế và hoàn chỉnh hồ sơ chính xác nhất, tránh để hồ sơ bị trả về, làm chậm việc phê duyệt và giải ngân vốn cho ngư dân, giảm thời gian "chết" trong sản xuất.

Theo bà Lê Đỗ Hương, Nghị định 89/2015/NĐ – CP đã sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 67, tuy nhiên vẫn cần tiếp tục bổ sung điều khoản tăng nguồn vốn tự có của ngư dân, đồng thời nâng lãi suất cho vay theo Nghị định 67 lên 9%/năm (ngân sách cấp bù từ 6 – 8%/năm) cho phù hợp với mặt bằng chung về lãi suất cho vay dài hạn.

Mặt khác, Chính phủ nên bỏ chính sách vay vốn lưu động theo Nghị định 67, v ì sự ưu đãi ít nên chưa thu hút được ngư dân quan tâm thực hiện điều này.

Với tàu vỏ gỗ, các cơ quan chức năng nên tạo điều kiện để ngư dân chủ động ký hợp đồng với đơn vị thiết kế và cơ quan quản lý nhà nước thực hiện nhiệm vụ đăng kiểm, kiểm tra an toàn kỹ thuật cho phù hợp hơn.

Ông Nguyễn Khắc Lâm, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Ninh Thuận góp ý, ngư dân cũng cần sự hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính về hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa đối với các tàu dịch vụ hậu cần khai thác hải sản xa bờ.

Điều này tạo điều kiện cho địa phương thực hiện tốt chính sách hỗ trợ chi phí vận chuyển hàng hóa từ đất liền ra tàu khai thác hải sản xa bờ và ngược lại cho các tàu dịch vụ hậu cần./.

Hồng Nhung - Trần Trung

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,