BIỂN ĐÔNG

Biển Đông - nhân tố đe dọa quan hệ Mỹ-Trung

TTXVN-VNA | 13-12-2016 | 14:21 |

    Trang mạng “usatoday.com” (Ngày 13/12)

   Việc Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump nhận cuộc điện thoại của nhà lãnh đạo Đài Loan Thái Anh Văn cho thấy ông đang muốn đánh tín hiệu với Trung Quốc rằng ông không chỉ chuẩn bị thay đổi chính sách đã có từ lâu của Mỹ mà sẽ còn đưa quan hệ Mỹ-Trung đi theo một lộ trình nhiều tính đối đầu hơn.

   Cuộc điện đàm với bà Thái Anh Văn là cuộc điện đàm đầu tiên của một Tổng thống Mỹ với đại diện vùng lãnh thổ này sau năm 1979, khi Tổng thống Jimmy Carter chấm dứt quan hệ chính thức với Đài Loan và công nhận chính quyền Bắc Kinh là đại diện duy nhất của Trung Quốc. Bắc Kinh coi Đài Loan là một hòn đảo có tư tưởng ly khai và đã có kế hoạch đưa vùng lãnh thổ này thống nhất với chính quốc. Không chỉ khiến Bắc Kinh tức giận vì cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ đắc cử còn cáo buộc Trung Quốc đã có những hành vi thương mại thiếu công bằng và minh bạch, cũng như có những hoạt động phô trương quân sự ở châu Á. Mối quan hệ giữa Mỹ và Trung Quốc trong thời gian tới có thể sẽ trở nên căng thẳng trong lĩnh vực thương mại, liên quan tới vấn đề Đài Loan, Triều Tiên, và nhất là vấn đề Biển Đông nhạy cảm.

   Đài Loan

   Ông Michael Auslin, tác giả cuốn sách sắp xuất bản “The End of the Asian Century” (Tạm dịch: “Kết thúc Kỷ nguyên châu Á”) cho rằng giới lãnh đạo Trung Quốc khó có thể phớt lờ cuộc điện đàm giữa ông Trump và đại diện vùng lãnh thổ Đài Loan bởi tính nghiêm trọng của nó. Theo ông, chính sách “Một Trung Quốc” mà Bắc Kinh nhiều lần nhắc tới chính là nhằm ngăn chặn điều mà họ cho là mục tiêu đòi ly khai của Đài Loan.Cheng Li, Giám đốc Chương trình Trung Quốc thuộc Viện Brookings, một viện nghiên cứu chính sách tại Washington, cho rằng Trung Quốc có thể sẽ thể hiện rằng mình không hài lòng với Mỹ trong vấn đề Đài Loan bằng những hành động trả đũa trong nhiều lĩnh vực khác như kinh tế, hợp tác chống khủng bố hay phi hạt nhân hóa Triều Tiên. Theo ông, Bắc Kinh cũng có thể sẽ đẩy mạnh các hoạt động quân sự tại Biển Đông, nơi Mỹ đang tìm cách bảo vệ tự do hàng hải và hàng không.

    Triều Tiên

   Ngày 1/12, Trung Quốc đã bỏ phiếu ủng hộ thông qua nghị quyết trừng phạt mới của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Tuy nhiên, ông Auslin cho rằng nước này có thể lại tiếp tục làm ngược với những gì mình cam kết, thậm chí còn tăng viện trợ quân sự và kinh tế cho Triều Tiên, hay tuyên bố chấm dứt các cuộc đàm phán quốc tế nhằm khép lại chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng. Ông cho rằng Bắc Kinh có thể dùng vấn đề Triều Tiên làm “cây gậy” khi đối phó với Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump.

   Kết quả của việc này là ông Trump có thể sẽ gia tăng áp lực đối với Trung Quốc, áp đặt thêm các lệnh trừng phạt đối với các doanh nghiệp hậu thuẫn Triều Tiên và các hoạt động hạt nhân của quốc gia này. Các lệnh trừng phạt tương tự đã lần đầu tiên được Tổng thống Obama áp đặt hồi tháng 9 vừa qua, song giới phân tích cho rằng Tổng thống đắc cử Mỹ “có thể còn làm nhiều hơn thế”.

   Thương mại

Ông Trump đã cáo buộc Trung Quốc đẩy giá thép và nhiều mặt hàng nhập khẩu khác xuống thấp để tạo lợi thế cạnh tranh cho các doanh nghiệp nội địa, vi phạm quyền sở hữu trí tuệ và thao túng tiền tệ nhằm hạ giá thành sản phẩm, khiến hàng hóa Mỹ nhập khẩu vào Trung Quốc trở nên đắt đỏ. Trên thực tế, ông Auslin cho rằng thương mại là một lĩnh vực mà Trung Quốc “dễ bị tổn thương hơn” Mỹ và Washington “có thể tìm kiếm các thị trường khác, trong khi họ (Trung Quốc) khó có thể tìm được các thị trường lớn như Mỹ”. Ông cho rằng việc ông Trump đe dọa sẽ tuyên bố Trung Quốc là kẻ thao túng tiền tệ cho thấy Tổng thống Mỹ đắc cử có thể sẽ áp thuế với các mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc và phát động một cuộc chiến thương mại.

   Kết quả là nền kinh tế lớn thứ 2 thế giới sẽ chịu thiệt hại đáng kể và giá cả hàng hóa leo thang. Trung Quốc sẽ trả đũa bằng cách tẩy chay trái phiếu chính phủ Mỹ. Điều này, theo giới chuyên gia, chắc chắn sẽ dẫn tới việc sự chi phí đi vay của Chính phủ Mỹ leo thang, lãi suất đối với người tiêu dùng và các doanh nghiệp Mỹ tăng cao, đồng thời tác động tiêu cực tới thị trường cổ phiếu.

   Nhà kinh tế Phillip Swagel, thuộc Đại học Maryland cho rằng một cuộc chiến thương mại và tiền tệ đều có thểxảy ra bởi Trung Quốc sẽ tiếp tục hạ giá đồng Nhân dân tệ trong khi kế hoạch của ông Trump nhằm cắt giảm thuế và tăng chi tiêu sẽ khiến đồng USD tăng giá. Tuy nhiên, theo ông Swagel, sự lạnh nhạt trong quan hệ với Trung Quốc có thể thúc đẩy Tổng thống Mỹ đắc cử tìm cách mở rộng thương mại tại châu Á.

   Biển Đông

   Sau cuộc điện đàm với nhà lãnh đạo Đài Loan, ông Trump viết trên trang Twitter cá nhân: “Trung Quốc đã bao giờ hỏi chúng ta xem mọi chuyện có ổn không khi họ hạ giá đồng nội tệ (khiến các doanh nghiệp của chúng ta chật vật cạnh tranh), đánh thuế các mặt hàng nhập khẩu cao (trong khi Mỹ không làm như vậy) hay thậm chí là xây dựng cả một tổ hợp quân sự quy mô ngay giữa Biển Đông? Tôi không nghĩ là có”. Nhiều người nhận định tuyên bố này của ông Trump cho thấy ông đang xâu chuỗi các khía cạnh xung đột với Trung Quốc theo cách chưa từng có tiền lệ, song rủi ro ở chỗ Trung Quốc cũng có thể làm điều tương tự. 

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,