BIỂN ĐÔNG

Biển Đông: Tranh cãi về động thái “quân sự hóa” Thái Bình Dương của Mỹ

TTXVN-VNA | 08-12-2016 | 14:54 |

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter phát biểu tại Arlington, Virginia ngày 28/1. Ảnh: AFP/TTXVN

     Biển Đông: Tranh cãi về động thái “quân sự hóa” Thái Bình Dương của Mỹ

 

            TTXVN (Hà Nội 8/12 )

            Theo trang mạng “nationalinterest.org”, tháng 10/2016, hai nhà phân tích quốc phòng châu Á Nicholas Borroz và Hunter Marston có bài xã luận trên tờ “New York Times” với tựa đề “Washington nên dừng việc quân sự hóa Thái Bình Dương”. Sau đó, chuyên gia Derek Grossman thuộc Tổ chức phi lợi nhuận RAND Corporation đã có bài bình luận phản bác trên trang mạng “National Interest” cho rằng chính các hành động của Trung Quốc khiến Mỹ “quân sự hóa” Thái Bình Dương, nội dung chính như sau:

            Năm 2009, Trung Quốc đã đệ trình lên Liên hợp quốc cái gọi là tuyên bố chủ quyền “Đường 9 đoạn” đối với một vùng rộng lớn ở Biển Đông đang tranh chấp. Năm 2010, Mỹ đã phản ứng bằng tuyên bố của Ngoại trưởng Hillary Clinton khi đó về tầm quan trọng của tự do hàng hải và giải pháp hòa bình cho các tranh chấp theo luật quốc tế. Kể từ năm 2010, Bắc Kinh đã phớt lờ các lời kêu gọi của Mỹ và quốc tế về việc giải quyết hòa bình các tranh chấp, buộc Chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố chính sách tái cân bằng chiến lược năm 2011 và một phần trong đó là tăng cường sự hiện diện quân sự của Washington ở châu Á.

            Đáng tiếc, Trung Quốc vẫn thể hiện họ không có kế hoạch đảo ngược hay thay đổi hành vi của mình ở Biển Đông. Các phát biểu mà Bắc Kinh đưa ra nhằm vào các nước láng giềng vẫn mang tính hung hăng và đe dọa.

            Các tác giả Borroz và Marston chỉ đề cập qua loa đến nỗ lực cải tạo đất của Trung Quốc ở Biển Đông, thay vì phê phán các hoạt động này là các hành động đơn phương và đe dọa không chỉ các nước láng giềng, mà còn đe dọa khả năng tiến hành các chiến dịch quân sự trong khu vực của Washington trong tương lai. Theo Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á, kể từ năm 2013, Trung Quốc đã bồi đắp mới 3.200 hecta đất trên các đảo và rạn san hô ở Biển Đông. Họ cũng xây 3 đường băng ở Trường Sa để phô trương sức mạnh không quân, gồm cả các đường băng dùng cho các máy bay chiến đấu và máy bay ném bom, đồng thời lắp đặt thêm các trạm radar và hệ thống phòng không HQ-9 ở đảo phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Trung Quốc cũng tiến hành hoạt động tuần tra trên biển và trên không theo thường lệ để khẳng định “chủ quyền” ở khắp khu vực. Bắc Kinh cũng có thiên hướng tỏ ra hung hăng với các nước láng giềng. Các tàu cá Trung Quốc thường tìm cách hăm dọa các tàu cá của các nước tranh chấp khác. Nếu Trung Quốc không bị kiềm chế, các đồng minh và đối tác trong khu vực cho rằng họ sẽ phải tự bảo vệ mình - một viễn cảnh mà họ lo ngại và từng đề cập riêng với Mỹ.

            Các tác giả Borroz và Marston dường như giúp tuyên truyền kịch bản của Trung Quốc rằng họ đang là nạn nhân của Mỹ, với việc nhấn mạnh rằng Mỹ mới đây đã thiết lập quan hệ đối tác quân sự với Việt Nam và Ấn Độ. Tổng thống Obama đã tới Việt Nam hồi tháng 5/2016 và gỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. Động thái này không nên được hiểu là một thỏa thuận quân sự bởi hiện chưa có một hành động nào chứng tỏ điều này. Các tác giả cũng dường như hiểu sai ý nghĩa của việc Ấn Độ ký kết thỏa thuận hậu cần quân sự với Washington. New Delhi không muốn tham gia bất kỳ thỏa thuận quân sự chính thức nào với Mỹ bởi lo sợ chọc giận Trung Quốc, và hiện không có bằng chứng nào cho thấy Washington đang tìm kiếm thỏa thuận như vậy.

            Mặc dù hai tác giả Borroz và Marston chỉ trích các hoạt động quân sự của Washington trong khu vực, nhưng họ dường như không đề xuất biện pháp thực tế để thay đổi chính sách của Mỹ từ hình thức sử dụng biện pháp quân sự sang hợp tác “phi quân sự” trong khu vực. Các hành động của Trung Quốc đang ngày một đe dọa các đồng minh và đối tác chính của Mỹ, những nước sẽ phải một mình đối đầu với Bắc Kinh nếu Mỹ giảm bớt sự hiện diện quân sự. Bất kỳ sự thay đổi nào trong chính sách Mỹ phải là tiền đề cho sự thay đổi thực chất và có thể kiểm chứng trong hành động của Trung Quốc.

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,