BIỂN ĐÔNG

Làm thế nào để bảo vệ an ninh hàng hải và môi trường ở Biển Đông?

TTXVN-VNA | 02-12-2016 | 14:39 |

(Nguồn: AFP/TTXVN)

          TTXVN (Hà Nội 2/12)

          Theo trang mạng “thestatesman.com”, tại vùng Biển Đông có nhiều tranh chấp chủ quyền nhạy cảm đang xuất hiện 2 thách thức lớn, đó là sự cần thiết phải có một cơ chế đảm bảo an ninh hàng hải linh hoạt và các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường và hệ sinh thái trước nguy cơ suy thoái trầm trọng.

          Không gian biển là nơi đóng vai trò cần thiết trong sự phát triển của con người, bởi tại đây không chỉ có các tuyến đường vận tải hàng hóa trọng yếu mà còn là nơi có nguồn tài nguyên và hải sản dồi dào. Vùng biển Đông Nam Á này là nơi có hệ sinh thái biển đa dạng nhất trên thế giới, là “ngôi nhà chung” của khoảng 76% các loài san hô và 37% các loài cá. Giáo sư Edgardo Gomez , thuộc Viện Khoa học Biển (thuộc Đại học Philippines) cho biết các rạn san hô là một trong những nơi đem lại nguồn lợi kinh tế lớn nhất, ước tính mỗi hecta san hô giúp người ta thu về tới 350.000 USD/năm. Việc cải tạo địa hình hoặc xây đảo nhân tạo, cùng các hoạt động đánh bắt trái phép quy mô lớn có thể khiến con người phải trả giá cả về môi trường và kinh tế.

          Không chỉ vậy, Biển Đông còn đang phải đối mặt với nhiều vấn đề đáng quan ngại như nạn cướp biển và xâm nhập lãnh hải trái phép. Điều này phản ánh thực tế là các quốc gia ven biển vẫn chưa đủ khả năng hợp tác chặt chẽ với nhau trong việc tuần tra trong vùng biển của mình.

          Việc bảo vệ an ninh hàng hải và môi trường đòi hỏi phải có một sự nhất quán trong chính sách ngoại giao không đối đầu. Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển khẳng định mọi quốc gia đều có nghĩa vụ bảo vệ và gìn giữ môi trường biển; các nước đang có tranh chấp trên Biển Đông cần tăng cường khả năng hợp tác trong việc bảo vệ các vùng biển chồng lấn và gìn giữ hệ sinh thái dễ bị tàn phá này.

          Các cuộc tuần tra bảo vệ bờ biển hiện nay có mục đích là nhằm ngăn chặn tàu cá nước ngoài hoặc những đối tượng khác xâm nhập lãnh hải bất hợp pháp. Mặc dù nhiều quốc gia đã có những biện pháp mạnh tay để ngăn chặn các hành vi này song hoạt động của lực lượng tuần tra bờ biển trên thực tế vẫn còn rất nhiều hạn chế, do số lượng tàu ít hay chưa có nhiều công nghệ giám sát tân tiến.

          Trong khi đó, các nỗ lực nhằm triển khai những biện pháp bảo vệ môi trường cũng gặp phải nhiều trở ngại do các quốc gia liên quan còn nhiều mâu thuẫn trong việc chia sẻ gánh nặng tài chính. Lấy ví dụ, Bắc Kinh đã phủ nhận hoạt động xây đảo nhân tạo của họ đã phá hủy hệ sinh thái trong khu vực, lập luận rằng chính Trung Quốc đã thành lập quỹ bảo vệ môi trường để hỗ trợ nghiên cứu khoa học cũng như tìm ra các phương pháp và thiết bị bảo vệ môi trường.

          Một chương trình phổ biến thông tin về an ninh hàng hải và gìn giữ môi trường có thể sự khởi đầu đầy hữu hiệu, song các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông cần nỗ lực hơn nữa để cùng phối hợp hiệu quả, tìm ra những giải pháp hợp lý trong việc chia sẻ và sử dụng tài nguyên tại vùng biển này. Chính phủ các nước Đông Nam Á trước hết cần tăng cường khả năng đảm bảo an ninh và môi trường tại các vùng biển chung. Việc thiếu vắng những giải pháp và cam kết từ phía lãnh đạo cấp cao nhất sẽ hạn chế đáng kể động lực cần có để triển khai các nỗ lực này. Từ tiền đề đó, các nước tuyên bố chủ quyền có thể dựa vào Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) được ký năm 2002 để xúc tiến hợp tác trong việc bảo vệ môi trường biển.

          Những hướng dẫn của Tổ chức Lương Nông Liên hợp quốc (FAO) về quản lý hoạt động đánh bắt cá có thể được coi là cơ sở để thiết lập cơ chế quản lý và các thỏa thuận khai thác hải sản, góp phần đảm bảo việc bảo vệ môi trường biển và sử dụng bền vững các nguồn tài nguyên trong dài hạn. Theo FAO, các quốc gia ven biển phải tính đến những chiến lược nhằm đảm bảo cho thế hệ tương lai cũng được hưởng lợi từ biển.

          Tuy nhiên, hợp tác không nên bị giới hạn trong các hoạt động đánh bắt hải sản. Các quốc gia có thể bắt đầu cùng nhau đối phó, khắc phục và hạn chế sự suy thoái của hệ sinh thái tại các rạn san hô. Một trong những giải pháp được đề xuất là đánh chìm các tàu đánh cá bất hợp pháp, thay vì phá hủy chúng, để tạo thành các rạn san hô nhân tạo, tương tự những gì Malaysia đang làm. Các vùng biển tranh chấp cũng có thể trở thành một “công viên hải dương quốc tế”, một khu vực chung mà tất cả các bên đều được hưởng lợi. Nguồn tiền đầu tư cho các dự án này có thể là do các quốc gia tranh chấp tự nguyện hoặc đàm phán đóng góp, hoặc được các tổ chức phi chính phủ tài trợ.

          Cuối cùng, cả Australia, Mỹ, và các đối tác châu Âu cũng có thể tham gia các sáng kiến nhằm bảo vệ môi trường và an ninh hàng hải trong khu vực. Australia có thể hỗ trợ việc huấn luyện cho các lực lượng tuần tra bờ biển, trong khi Mỹ cần xem xét việc bán hệ thống giám sát biển và công nghệ cảm biến hiện đại cho Malaysia, Philippines và Việt Nam. Một cơ chế thực thi hiệu quả sẽ giúp các quốc gia trong khu vực đảm bảo luật pháp, giảm thiểu nguy cơ bị xâm chiếm bất hợp pháp và các hoạt động đánh bắt cá trái phép.

          Phán quyết của Tòa Trọng tài tại La Hay đã nhấn mạnh trách nhiệm của các quốc gia tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông trong việc ngăn chặn, hoặc ít nhất là giảm thiểu, nguy cơ môi trường biển trong khu vực bị tàn phá nghiêm trọng. Bất đồng cũng là một cách để các bên thấu hiểu và chia sẻ với nhau, từ đó tạo điều kiện cho những sự hợp tác lớn hơn.

          Trong bối cảnh khu vực vẫn thiếu một hiệp ước cụ thể để đảm bảo an ninh hàng hải và tăng cường bảo vệ môi trường, các quốc gia cần nhanh chóng có những biện pháp hiệu quả để ngăn chặn những điều không hay trở nên tồi tệ hơn.

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,