BIỂN ĐÔNG

Vấn đề Biển Đông: Kỳ vọng vào Philippines

TTXVN-VNA | 13-12-2016 | 14:27 |

  TTXVN (Hà Nội 13/12)

 Một năm nhiều sự kiện sắp kết thúc, cả khu vực đang hướng sự chú ý tới những tuyên bố và quyết định của Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte, nhất là khi sang năm 2017, nước này sẽ giữ vai trò Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). Ngoài các mục tiêu phát triển của khối, người ta cũng kỳ vọng vấn đề Biển Đông sẽ sớm được giải quyết dưới sự dẫn dắt của Manila trên cương vị mới này.

 Theo trang mạng "nationmultimedia.com", với tư cách là nước Chủ tịch ASEAN, Philippines, với sự lãnh đạo của Tổng thống Duterte sẽ phải đóng vai trò đại diện cho toàn khối, biến ASEAN thành một khối có tiếng nói chung mạnh mẽ. Nhà lãnh đạo Philippines cũng sẽ phải chủ trì hàng loạt cuộc họp vô cùng quan trọng, nhất là Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 và 31, được tổ chức trong cùng năm 2017. Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN lần thứ 30 dự kiến sẽ diễn ra tại Manila vào tháng 4/2017, với sự có mặt của các nhà lãnh đạo ASEAN. Trong khi đó, hội nghị thứ hai diễn ra tại Căn cứ Không quân Clark ở đảo Luzon vào tháng 11/2017 còn có sự tham gia của cả các đối tác đối thoại quan trọng.

 Với những tiến triển đáng kể trong quan hệ giữa Philippines và Trung Quốc những tháng gần đây, giới quan sát cho rằng Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường chắc chắn sẽ tham dự Hội nghị Thượng đỉnh ASEAN vào cuối năm tới cùng các đối tác đối thoại khác. Tuy nhiên, câu hỏi lớn hiện nay là liệu Tổng thống Mỹ đắc cử Donald Trump có sẵn lòng dành thời gian tới thăm khu vực và tham dự Hội nghị Thượng đỉnh Mỹ-ASEAN lần thứ năm và Hội nghị Thượng đỉnh Đông Bắc Á lần thứ 12 tại Căn cứ Không quân Clark hay không. Trước khi Lào giữ chức Chủ tịch ASEAN năm 2016, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã hào hứng xác nhận từ một năm trước đó về kế hoạch tham dự hội nghị tại Viên Chăn trong cuộc gặp với các nhà lãnh đạo ASEAN tại Kuala Lumpur hồi tháng 11/2015.

 Trong năm tới, nước Chủ tịch luân phiên của ASEAN sẽ phải tổ chức rất nhiều hội nghị, trong đó có ít nhất là 14 hội nghị cấp bộ trưởng, 29 cuộc gặp giới chức cấp cao và 60 hội nghị xoay quanh toàn bộ các vấn đề của ASEAN. Bởi vậy, những quan điểm của ông Duterte về ASEAN từ nay cho tới tận cuối năm sau sẽ là điều được dư luận đặc biệt quan tâm và chú ý. Trên thực tế, kể từ khi chính thức lên nắm quyền cho tới nay, nhà lãnh đạo Philippines vẫn chưa hề đưa ra bất kỳ tuyên bố chính thức nào về ASEAN cũng như các mục tiêu của khối, ngoại trừ những phát biểu trong buổi lễ tiếp nhận vị trí Chủ tịch từ Lào hồi tháng 9 vừa qua”.

 Philippines sẽ trở thành Chủ tịch luân phiên của ASEAN vào năm mà khối này kỷ niệm 50 năm thành lập. Nhiều người rất kỳ vọng vào khả năng của Philippines và nhà lãnh đạo nổi tiếng bạo miệng Duterte trong việc nâng vị thế và tầm ảnh hưởng của khối. Bộ Ngoại giao Philippines đã đưa ra khẩu hiệu cho năm tới là “Hợp tác để thay đổi, cam kết với thế giới”, với 6 mục tiêu: một ASEAN “hướng về người dân và lấy người dân làm trung tâm”; hòa bình và ổn định trong khu vực; an ninh hàng hải và hợp tác; tăng trưởng toàn diện và đổi mới; một ASEAN kiên cường; và một ASEAN là hình mẫu hội nhập khu vực và thế giới.

 Philippines muốn ASEAN thực hiện các mục tiêu của toàn cầu một cách hiệu quả và tích cực, củng cố tiếng nói chung của ASEAN trong cộng đồng quốc tế. Tuy nhiên, sẽ cần thời gian để xem xem liệu nhà lãnh đạo “đặc biệt” này sẽ hòa nhập ra sao với đại gia đình ASEAN.

 Trong thời gian cầm quyền vừa qua, ông Duterte đã trở thành tâm điểm của báo chí quốc tế với những bình luận khác thường và thậm chí là gây sốc, nhất là những gì liên quan đến nhiều cường quốc thế giới như Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và Nga. Việc ông chỉ trích Mỹ, hiện là đồng minh thân thiết nhất của Manila, đã gây ra không ít tranh cãi. May mắn là sự hợp tác hiện nay giữa Mỹ và Philippines vẫn được giữ vững vì bất kể sự thay đổi nào đều sẽ ảnh hưởng đáng kể tới tình hình an ninh của ASEAN trong nhiều tháng và thậm chí là nhiều năm tới.

 Hiện nhiều người cho rằng vẫn cần thời gian để có thể xác định xem cách lãnh đạo và các quyết định của ông Duterte sẽ định hình và tác động thế nào tới hòa bình và ổn định của khu vực. Trong 6 năm qua, tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông đã trở thành một trong những vấn đề lớn trong khu vực và lôi kéo cả sự can dự của nhiều cường quốc. Mâu thuẫn được cho là đang dần lắng dịu và Tổng thống Duterte là người muốn xu hướng này được tiếp tục và xung đột được hóa giải. Về mặt cá nhân, nhà lãnh đạo Philippines muốn củng cố quan hệ với tất cả các nước thành viên ASEAN. Việc này, nếu thành công, chắc chắn cũng sẽ giúp Philippines trở nên mạnh và giàu có hơn.

 Manila đang hy vọng có thể đóng góp tài năng và trí tuệ một cách tích cực để đạt được các mục tiêu mà khối đã đề ra. Dần bước sang tuổi 50, ASEAN sẽ được lèo lái bởi một nhà lãnh đạo “khác thường”, một người có mục tiêu rất rõ ràng là đưa khối tới “vị trí xứng đáng” trong cộng đồng quốc tế. Hãy đợi và chờ xem.

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,