BIỂN ĐÔNG

Vụ thu giữ thiết bị lặn của Mỹ và chiến lược mập mờ của Trung Quốc ở Biển Đông

TTXVN-VNA | 27-12-2016 | 12:17 |

 

          Hà Nội (TTXVN 27/12)--

          Trước việc Hải quân Trung Quốc thu giữ một thiết bị lặn của Hải quân Mỹ tại khu vực cách bờ biển Philippines chỉ khoảng 50 hải lý vào ngày 15/12, giới phân tích đang tranh luận về động cơ của Trung Quốc trong vụ việc gây chấn động này.

          Đô đốc Dương Nghị, cựu Giám đốc Viện Nghiên cứu chiến lược thuộc Đại học Quốc phòng Trung Quốc, đặt câu hỏi rằng liệu thiết bị lặn này “thực sự là một thiết bị phục vụ khoa học hay mục đích quân sự và được viện cớ”. Một số ý kiến từ giới chức Trung Quốc cũng nêu lên quan ngại về hoạt động tuần tra của Mỹ. Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Dương Vũ Quân nhấn mạnh Trung Quốc “mạnh mẽ phản đối các cuộc thăm dò hay khảo sát quân sự gần (với vùng biển của Trung Quốc)” và yêu cầu phía Mỹ dừng các hoạt động này. Tuy nhiên, một chuyên gia an ninh Hong Kong, ông Zhang Bohai, cho rằng nhiều khả năng Trung Quốc coi thiết bị này là một mối đe dọa với hạm đội tàu ngầm hạt nhân mà họ đang triển khai trong khu vực. Một bài xã luận trên tờ “Nhân dân Nhật báo” cũng đồng tình với ý kiến này, và cho rằng cuộc cạnh tranh Mỹ-Trung hoàn toàn có thể xảy ra ở vùng biển sâu.

          Shaun Rein của tờ “Ibtimes” và chuyên gia Harry Kazianis, thuộc Trung tâm Lợi ích Quốc gia, đều cho rằng hành động của Trung Quốc là nhằm cảnh báo Tổng thống đắc cử Mỹ Donal Trump về việc thay đổi chính sách "Một Trung Quốc". Trong khi đó, chuyên gia Bonnie Glaser của Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) lại nhìn nhận động thái này nhằm đánh tiếng rằng “Mỹ không thể thách thức các lợi ích cốt lõi của Trung Quốc mà không phải trả giá”.

          Tuy nhiên, cho dù lý do thực sự là gì thì theo ông Ngô Sỹ Tồn, một học giả kỳ cựu về Biển Đông có mối liên hệ chặt chẽ với Chính quyền Trung Quốc cho rằng “Trung Quốc muốn thể hiện rằng nếu các vị do thám chúng tôi ở dưới biển, và đe dọa an ninh quốc gia của chúng tôi, chúng tôi sẽ có những biện pháp đối phó”.

          Nhiều đối tác của Mỹ trong khu vực lo ngại rằng Washington sẽ không cương quyết đáp trả trước chiến lược mới này của Trung Quốc. Một quan chức quốc phòng Mỹ trao đổi với tờ “Washington Post” rằng Chính quyền của Tổng thống Obama “muốn lấy lại thiết bị lặn và để mọi chuyện lắng xuống”. Giới chức Nhật Bản tỏ ra khá cương quyết trong vấn đề này. Chánh Văn phòng Nội các Nhật Bản Roshihide Suga cho rằng “Trung Quốc cần phải giải thích rõ vấn đề này với cộng đồng quốc tế, cũng như cơ sở (dẫn đến hành động) của họ theo luật pháp quốc tế”. Bắc Kinh đã nhanh chóng chỉ trích sự can dự của Tokyo.

          Nhà báo Jane Perlez của tờ “New York Times” nhận định “tại châu Á, các nhà ngoại giao và phân tích nói rằng họ thấy bối rối trước việc Chính quyền Obama không thể có phản ứng cứng rắn trước thách thức từ phía Trung Quốc”. Thượng nghị sỹ Mỹ John McCain cũng có quan điểm tương tự, ông cho rằng “tự do trên biển… là điều không ai có thể áp đặt. Giới lãnh đạo Mỹ cần phải đảm bảo điều này, tuy nhiên, họ không làm vậy”.

          Đã có nhiều bài phân tích viết về tác động của sự kiện này đối với quan hệ Mỹ-Trung nói riêng và tình hình khu vực nói chung. Tác giả Richard Heydarian viết trên tờ “New York Times” rằng các nước Đông Nam Á đang chuẩn bị “đương đầu với không chỉ bất ổn và khó lường, mà còn cả những cơn bão mâu thuẫn giữa Mỹ và Trung Quốc”. Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana cũng nhắc lại lo ngại này, nhấn mạnh rằng “có thể sẽ tới lúc chúng tôi phải yêu cầu Mỹ thông báo cho mình về những gì họ đang làm ở vùng biển Philippines” và rằng “chúng tôi rất lo ngại về nguy cơ hiểu lầm giữa hai cường quốc này”.

          Chuyên gia Jerome Cohen cho rằng các nhà phân tích cần liên kết vụ việc Đài Loan và sự đối đầu vừa qua giữa Mỹ và Trung Quốc, trong khi nhà báo Jeff Smith của tờ “The Diplomat” nhìn nhận vụ việc nói trên đang phản ánh những nguy cơ từ sự mập mờ về mặt chiến lược của Trung Quốc./.

 

Tin mới nhất

Khám phá chuỗi “đảo ngọc” Cát Bà

Với tổng diện tích 336km2, Cát Bà hiện là quần đảo đá vôi lớn nhất Việt Nam với 388 hòn đảo lớn nhỏ, mật độ núi đá vôi dày đặc chia cắt mặt nước biển thành những áng, vịnh nhỏ, với nhiều bãi cát còn n

Ông Lý Hiển Long và ông Duterte bàn chuyện Biển Đông

Ngày 15/12, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã tiếp đón Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đang ở thăm.

Ông Obama tiết lộ chuyện Trung Quốc phản ứng mạnh hơn vấn đề Biển Đông

Ngày 16/12, Tổng thống Mỹ Barack Obama nói rằng Tổng thống đắc cử Donald Trump hoàn toàn có thể xem xét lại chính sách "một Trung Quốc" đối với Đài Loan,